BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN 
TIN TỨC
ĐỔI MỚI Ở BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG
06/05/2021 07:45:40

      Bảo tàng tỉnh đang thực hiện có hiệu quả chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và trưng bày, ghi chép các sự kiện lịch sử của tỉnh. Bảo tàng hiện lưu giữ hơn 48.000 tài liệu, hiện vật chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất và con người xứ Đông.
      Từ năm 2014 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã có những hoạt động mang tính đột phá, nhằm tạo sự mới lạ và hấp dẫn đối với công chúng. Bên cạnh những chuyên đề mang tính thời sự, phục vụ nhiệm vụ chính trị, bảo tàng còn tổ chức nhiều chuyên đề, kỉ niệm các sự kiện lịch sử đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa của khách tham quan, nhân dân và các em học sinh. Đáng chú ý, trong năm 2014 Bảo tàng tỉnh tổ chức thành công chuyên đề “Chủ quyền biển, đảo Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”. Đây là một hoạt động thiết thực, mang tính thời sự trong chuỗi các hoạt động của cả nước đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Triển lãm với hơn 500 tài liệu, hiện vật, hình ảnh lịch sử quý hiếm, lần đầu tiên giới thiệu đã giúp cán bộ và nhân dân hiểu sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước; về truyền thống anh hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng bộ ảnh về những hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương trong việc đóng góp sức người, sức của để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo, như động viên con em nhập ngũ, phát động các phong trào “Góp đá xây dựng Trường Sa”, “Chung tay vì biển, đảo quê hương”, “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”,...
(Cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề “Chủ quyền biển, đảo Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử” tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, năm 2014) 
      Trong đợt kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Bảo tàng Quân khu 3 trưng bày chuyên đề “Tiếng sấm đường 5 với Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Chuyên đề đã giới thiệu quá trình tham gia chiến đấu của quân và dân Hải Dương dọc tuyến đường 5, đường sắt và Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mỗi tài liệu, hiện vật đều là những vật chứng lịch sử sinh động, cụ thể gắn liền với mồ hôi, nước mắt và xương máu của các chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đợt trưng bày đã đón hơn 4.000 lượt người đến tham quan.
Trong dịp chào mừng 210 năm khởi lập Thành Đông và 60 năm giải phóng TP. Hải Dương, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Hội cổ vật tỉnh và các nhà sưu tập cổ vật tư nhân trưng bày chuyên đề “Cổ vật tỉnh Đông và các sưu tập cổ vật tư nhân tiêu biểu”. Chuyên đề này đã lôi cuốn người xem bởi tính mới lạ. Mỗi cổ vật đều chứa đựng những nét văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của một xã hội, thời đại sinh ra nó.
 
(Trưng bày chuyên đề “Cổ vật tỉnh Đông và các sưu tập cổ vật tư nhân tiêu biểu” của Bảo tàng tỉnh thu hút đông đảo người xem, năm 2014) 
      Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng đã trưng bày chuyên đề “Bộ tranh hoành tráng”, gồm 40 bức tranh tương ứng với 40 phân đoạn về mảnh đất, con người Hải Dương trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, truyền thống cách mạng, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự...Bộ tranh thể hiện trên chất liệu sơn dầu, vải toan, giúp khách tham quan hiểu rõ và tự hào hơn về quê hương Hải Dương. Trong dịp này, một trong những kỷ vật Bảo tàng tỉnh đón nhận là lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc treo trên cột cờ Lũng Cú do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang trao tặng. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức trưng bày chuyên đề “Biển, đảo và người chiến sĩ hải quân”, cuộc thi “Tìm hiểu về Văn miếu Quốc Tử Giám Thăng Long và truyền thống khoa bảng Hải Dương”...
      Từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng đưa hoạt động trải nghiệm vào phục vụ học sinh với các quy trình sản xuất gốm cổ và một số trò chơi dân gian như: bắt chạch trong chum, bịt mắt đánh trống, nhảy bao bố, chơi ô ăn quan,...đã thu hút nhiều trường đưa học sinh đến tham quan và trải nghiệm. Đây là hoạt động giúp các em sáng tạo và trải nghiệm thực tế tại bảo tàng. Sau những hướng dẫn của cán bộ bảo tàng các em có thể tham gia vào quy trình sản xuất gốm hay làm cốm và phần nào hiểu thêm về nghề cổ truyền trên đất Hải Dương. Để làm ra một sản phẩm người thợ không chỉ khéo léo ở đôi bàn tay mà còn sáng tạo các đề tài trang trí trên gốm. Các hoạt động trải nghiệm “em tập làm nghệ nhân” thu hút sự thích thú và tò mò của rất nhiều học sinh.
 
(Các em học sinh lớp 5B trường tiểu học Bình Minh (TP. Hải Dương) tham gia hoạt động trải nghiệm làm gốm theo phương pháp truyền thống tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, năm 2017) 
      Mặc dù Bảo tàng tỉnh đã tích cực trưng bày các chuyên đề, phong phú về số lượng và chất liệu hiện vật, nhưng thực tế trong nhiều năm qua việc đưa hiện vật đến gần với công chúng chưa nhiều, vẫn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của bảo tàng hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa quy hoạch hệ thống nhà làm việc cho cán bộ (hiện các phòng và kho lưu trữ của bảo tàng tỉnh do chuyển đổi mà có), các kho bảo quản tài liệu, hiện vật lịch sử bị thấm dột, sưu tập quan tài, mộ cuốn, vũ khí cổ còn thiếu đầu tư kỹ thuật bảo quản thích hợp. Biên chế các chuyên ngành khảo cổ học, hóa chất bảo quản, công nghệ thông tin, thuyết minh viên còn thiếu, khu trưng bày dân tộc học ngoài trời chật hẹp do chưa giải phóng được tòa nhà Liên hiệp hội phía trước án ngữ nên chưa có sự hấp dẫn về địa điểm.Thực trạng trên đã ảnh hưởng đến công tác bảo quản, trưng bày và hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để đón khách và thu hút công chúng đến với bảo tàng.
      Để bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa, các cấp, các ngành liên quan sớm quan tâm đầu tư cải tạo hệ thống phòng làm việc, nhà bán đồ lưu niệm, hệ thống trưng bày dân tộc học ngoài trời,..cho Bảo tàng tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị cần chủ động phối hợp với các bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng địa phương khác để đưa những nội dung mới vào các chuyên đề trưng bày, tăng cường liên kết với các làng nghề, các nghệ nhân, các chuyên gia để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các trưng bày chuyên đề và lưu động. Tăng cường phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh để tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc tham quan cho các em học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ về những giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đông.
LÊ THOA - HOÀNG HƯƠNG 
Về Trang Chủ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ : 11 Hồng Quang - P.Nguyễn Trãi -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(0220)3852493
Chịu trách nhiệm xuất bản: Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Huê- Giám đốc
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 12
Hôm nay: 17
Tháng này: 8,858
Tất cả: 89,618