Ngày 27-5-1947, Bác viết thư: “Gửi nam nữ chiến sĩ, dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc” khẳng định vai trò “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch. Là một bức tường sắt của Tổ quốc”...(Trích: “Thư gửi nam nữ chiến sĩ, dân quân tự vệ và du kích toàn quốc”của Hồ Chí Minh.com.vn”).Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vai trò của dân quân tự vệ và du kích càng được khẳng định, như bao tấm gương anh dũng khắp các miền quê Việt Nam, nữ du kích du kích Bùi Thị Vân tiêu biểu cho lòng dũng cảm chiến đấu quên mình.
(Du kích Bùi Thị Vân bên cạnh Bác Phạm Văn Đồng, ảnh chụp tại Hội nghị chiến sĩ thi đua Toàn quốc ngày 25/03/1996)
Chị Bùi Thị Vân (sinh năm 1948) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có truyền thống Cách mạng thuộc xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Xã Lai Vu có chiều dài trên 3km dọc đường quốc lộ 5, đây là tuyến đường rất quan trọng để chuyển hàng hoá và vũ khí từ cảng Hải Phòng vào Hà Nội, chiến trường miền Trung, miền Nam.Ba mặt của xã Lai Vu là sông Kinh Thầy bao bọc, dọc xã một bên là đường quốc lộ và đường tàu hoả. Giữa xã là đường 5B, ngoài xã là bờ đê gọi là đường 5C. Địch bắn phá hỏng đường này có đường khác đi. Bốn góc của xã: một góc là ga Lai Khê, một góc là cầu Lai Vu, một góc là cầu phao từ huyện Nam Sách nối sang đường 5B và 5C, một góc là Phà Mây. Tất cả đều là mục tiêu của địch bắn phá. Trong xã có một trung đoàn chỉ huy bằng máy móc và có 8 trận địa pháo cao xạ từ 37 ly đến 100 ly. Vì thế, Lai Vu được không quân Hoa Kỳ ví như một “túi đựng bom”.
Những năm 1965-1970, giặc Mỹ thua nhiều ở chiến trường miền Nam đã cố gắng mở rộng chiến tranh “leo thang” bắn phá ra miền Bắc với ý đồ biến miền Bắc trở lại “thời kỳ đồ đá” và chặn đứng sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhưng chúng đã vấp phải “cuộc chiến tranh nhân dân” của miền Bắc. Xã Lai Vu, huyện Kim Thành cũng như nhiều miền quê khác khắp trong cả nước, các cụ ông tham gia vào lực lượng “Bạch đầu quân” đón tiếp thương binh và mai táng cho các liệt sĩ..., các cụ bà vào hội “Mẹ chiến sĩ” ngày ngày nấu cơm, đun nước chè gánh ra trận địa phục vụ bộ đội, khi chiến trường im tiếng súng các Mẹ lại vá áo cho các anh. Các Mẹ là nguồn động viên cho bộ đội chiến đấu hăng say. Giữa sự sống và cái chết liền kề nhau, tình quân dân thương nhau như một gia đình, tình cảm đó người dân xã Lai Vu và dân Việt Nam nói chung không bao giờ quên được trong chiến tranh khốc liệt.
Nữ du kích Bùi Thị Vân, lúc nhỏ ở với gia đình, đi học và tham gia làm niên đội phó thiếu niên, đội kỹ thuật của thôn, đội tuyên truyền xã (giữ chức phó ban tuyên truyền xã). Ngày 15/3/1965, từ một thiếu niên 17 tuổi, chị Vân được chuyển thẳng vào Đoàn TNCSHCM. Ba ngày sau (18/3/1965) chị Vân được kết nạp vào đội du kích, tham gia tập luyện, hoạt động tổ kỹ thuật của xã và giữ chức tiểu đội trưởng đội du kích. Chị tiếp tục làm phó ban tuyên truyền xã, làm thư ký đội sản xuất (đội 7). Ngày 5/11/1965, máy bay Mỹ đánh cầu Lai Vu và trận địa, khi có kẻng báo động nữ du kích Bùi Thị Vân nhảy xuống hố cá nhân. Máy bay địch hàng tốp, cứ ba cái một, ập đến cắt bom hết tốp này đến tốp khác, nó bổ nhào dội bom xuống cầu và trận địa. Lúc này, chị Vân không biết sợ là gì, chỉ lắng nghe theo lệnh chỉ huy bắn máy bay ở tầng thấp buộc nó bay nhào lên cho pháo cao xạ bắn. Khi báo động yên, nhìn xuống chân thấy rắn quấn quanh chân và máu chảy lẫn bùn vì đêm qua có trận mưa rào. Chị Vân kêu lên, anh trung đội trưởng và mọi người xúm lại lau vết thương, buộc chân cho nữ du kích dũng cảm và hỏi han, chị Vân tươi cười nói:
“Rắn nó cắn, mình em chịu, chứ giặc Mỹ đem bom bắn phá quê hương, hại nhiều người nên em bắn máy bay đã”.
Gương chiến đấu của nữ du kích Bùi Thị Vân đã được nhà thơ Tố Hữu đi cùng đoàn của thủ tướng Phạm Hùng về thăm xã Lai Vu, viết tặng một bài thơ nổi tiếng: “Cô du kích Lai Vu” trong đó có đoạn:
“Chuyện cô du kích xóm Lai Vu
Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù
Mỹ hại trăm nhà lo diệt trước
Rắn mình em chịu có sao đâu”.
Sau trận chiến đấu đó, nữ du kích Bùi Thị Vân được chỉ huy xã đội đưa về làm liên lạc của Ban chỉ huy xã, phụ trách nắm tin tức. Trận đánh nào cũng vậy, vừa dứt tiếng bom đạn chị Vân đã thoăn thoắt ở mặt trận địa, được tin về báo cáo cho chỉ huy xã tiếp viện, có anh bộ đội đặt cho chị cái tên: “con thoi trong tuyến lửa”. Đầu chị đội mũ rơm với lá nguỵ trang trên người, cứ thế mà chạy để có tin thật nhanh báo cáo. Những thành tích đóng góp trong chiến tranh, nữ du kích Bùi Thị Vân được kết nạp vào Đảng CSVN (ngày 1/1/1967).
Ngày 25-9-1967, chị Vân đi công nhân lên Viện cây lương thực, thực phẩm Gia Lộc (Hải Dương), chị vừa học vừa làm ở viện ông Lương Đình Của, chị giữ chức đội phó đội sản xuất công nhân kỹ thuật, tham gia trong ban nữ công. Năm 1968, chị Vân lập gia đình với anh Nguyễn Đức (sinh 1947) quê ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Anh Đức là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đi học rồi trở thành kỹ sư nông nghiệp. Khi đất nước hoà bình, miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1979, chị Vân chuyển lên trại Ngô, sông Bôi, tỉnh Hoà Bình, chị vẫn rất hăng say tham gia công tác đoàn thể: công Đoàn, nữ công, thủ quỹ. Đến tháng 12-1988, chị Vân lại chuyển về Viện nghiên cứu Ngô, Đan Phượng, Hà Tây, chị tham gia trong Đảng uỷ từ năm 1996 đến năm 2002.
Hiện nay, gia đình chị Vân ở trong khu tập thể của viện nghiên cứu Ngô, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Anh chị có hai con gái và cũng đã là kỹ sư nông nghiệp và cử nhân sư phạm. Những công lao đóng góp và sự cống hiến tuỏi thanh xuân của chị Vân được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương độc lập, giải phóng, chiến sĩ thi đua...
Nữ du kích Bùi Thị Vân trở thành một hình tượng quên mình vì nghĩa, đi vào truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc Việt Nam: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Hoàng Thị Hương
Phòng NC- ST