BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN 
SƯU TẦM CHUYÊN ĐỀ
GIỚI THIỆU MỘT SỐ HIỆN VẬT CỦA CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG BỊ ĐỊCH BẮT TÙ ĐẦY TẠI NHÀ TÙ HẢI DƯƠNG VÀ CÔN ĐẢO
31/07/2019 03:59:51

      Bảo tàng Hải Dương là nơi nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bầy tài liệu, hiện vật, hình ảnh nhằm tuyên truyền, giới thiệu cho khách tham quan hiểu về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội của tỉnh Hải Dương từ xưa đến nay. Trong công tác trưng bầy, có thể nhận thấy: tài liệu, hiện vật, hình ảnh là linh hồn của nhà Bảo tàng.
 
(Giấy khen tự tạo trong nhà tù Côn Đảo) 
      Để bổ sung tài liệu, hiện vật, hình ảnh cho kho Bảo tàng và phục vụ công tác trưng bầy tuyên truyền, giới thiệu truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất chống giặc ngoại xâm của quân và dân Hải Dương trong hai cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc, đồng thời hiểu được tinh thần chiến đấu dũng cảm, ý chí kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù của những người cộng sản yêu nước bị địch bắt tù đầy tại Nhà tù Hải Dương và Côn Đảo. Chúng tôi tổ chức đợt sưu tầm chuyên đề: Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại Nhà tù Hải Dương và Côn Đảo. Qua đợt sưu tầm chuyên đề trên với tổng số người sưu tầm là: 38, thu được 118 tài liệu, hiện vật, hình ảnh (TL, HV, HA) trong đó phân loại chất liệu như sau: hình ảnh: 56, vải: 02, kim loại: 20, giấy: 36, da: 01, đá: 01, trai, ốc: 02.
Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại Nhà tù Hải Dương và Côn Đảo số lượng nhiều, nhưng phần lớn đã qua đời. Ngoài những người còn sống, đoàn sưu tầm lựa chọn những người mới qua đời những năm gần đây, nhưng thân nhân của họ cũng không biết nhiều về thời kỳ kháng chiến của họ, bên cạnh đó một số người còn sống thì tuổi đã cao nên việc khai thác tư liệu có phần hạn chế và khó khăn.
      Tuy nhiên, trong số những hiện vật đã sưu tầm có những hiện vật rất giản dị nhưng có ý nghĩa lớn đối với lịch sử, nó toát lên vẻ dung dị đời thường của những người chiến sĩ cộng sản dù khó khăn gian khổ nhưng vẫn kiên trung trong nhà lao của kẻ thù. Đó là những hiện vật như:
      + Quyển sổ nhạc chép tay của ông Trần Xuân Lâm, sinh năm 1932 (thôn Phú Xá, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Năm 16 tuổi, ông Lâm tham gia đội du kích xã, sau đó bị bắt giam tại Nhà tù Hải Dương. Cuối năm 1951, ông bị địch đầy ra Côn Đảo. Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ do Đảng uỷ Côn Đảo giao phó: theo dõi tình hình trại lính từ chỗ ăn, ở, đi lại, chỗ cất lương thực, vũ khí để chuẩn bị cho cuộc vượt ngục thì ông còn sáng tác và ghi chép lại những bản nhạc, đoạn nhạc để hát và thổi kèn cho các anh em nghe. Theo lời ông Lâm thì ngoài những lúc phải lao động khổ sai, buổi tối anh em cũng có lúc được hát hò và giao lưu văn nghệ. Trong nhà tù cũng thành lập một đội văn nghệ nho nhỏ để hát và biểu diễn mỗi khi có dịp vui hay kỉ niệm những ngày Lễ của dân tộc. Quyển sổ nhạc (KT: 12 x17 cm) ghi chép và sáng tác những bản nhạc và lời bài hát phục vụ các đồng đội trong nhà tù. Quyển sổ nhạc được làm bằng giấy màu đen, gồm hơn 50 trang với nhiều bài hát và bản nhạc khác nhau, nét chữ tuy có mờ nhưng vẫn đọc được. Quyển sổ nhạc được ông Lâm đóng bìa bóng kính cẩn thận và gìn giữ như một di sản kỉ vật - kỉ niệm những năm bị giặc Pháp bắt tù đầy ra Côn Đảo. Ngoài quyển sổ nhạc ông Trần Xuân Lâm còn lưu giữ: 01 vỏ ốc biển, 01 hòn đá lấy tại Bến Đầm - nơi diễn ra cuộc chiến đấu vượt ngục ác liệt giữa các tù binh nhà tù trong đó có ông và trại lính canh giữ tù binh ngày 12/12/1952.
      + Bộ dao cạo râu của ông Lê Văn Quảng, sinh năm 1925 (tức Thứ, số 2 phố Bình Minh, phường Phạm Ngũ Lão, TPHD). Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945, làm Tổ trưởng đội tự vệ thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, sau làm phó Bí thư xã Tân Trường, Chính trị viên Trung đội của huyện Đội Cẩm Giàng, Trung đội trưởng Trung đội 3 huyện Đội Cẩm Giàng. Ngày 27/3/1951 ông bị địch bắt giam và tra tấn dã man tại nhà tù Hải Dương, một năm sau ông bị đầy ra Côn Đảo. Ông và anh em tù binh đã dùng đá mài sắc để cạo râu. Ông gửi thư về nhà, xin gia đình cho một bộ dao cạo râu và 10 lưỡi dao tem. Trong khi sử dụng, địch phát hiện, đã thu 10 lưỡi dao tem còn bộ dao cạo râu địch để lại cho ông sử dụng vì trên bộ dao cạo có dòng chữ: “MADE IN USA”. Theo ông Quảng kể: có lẽ chúng cho rằng đó là hàng hoá của chúng nên cho ông sử dụng. Khi bị tịch thu hết 10 lưỡi dao, ông Quảng bắt quen với tên gác tù người Ấn Độ là Pocđơsun để mượn dao tem khi cần.
      Bộ dao cạo râu được ông Quảng sử dụng từ năm 1952 đến năm 2012, đây là một kỉ vật - kỉ niệm về tình cảm quan tâm đặc biệt động viên của gia đình (hậu phương) đối với ông trong suốt thời gian bị địch bắt tù đầy tại Côn Đảo. Hiện vật giúp người chiến sĩ cộng sản kiên cường và bản lĩnh hơn khi bị bắt giam, tra tấn và lao động khổ sai dưới chế độ nhà tù hà khắc giết dần, giết mòn cả tâm hồn và thể xác người tù chính trị. Bộ dao cao râu gồm 2 phần: phần bàn dao cạo được làm bằng đồng (KT: 8,5 x 2,5 cm) trên mặt có dòng chữ nhỏ: “MADE IN USA”. Phần giá đựng làm bằng nhôm, kết cấu mắt lưới (KT: 7,5 x 12cm). Hiện vật còn sử dụng tốt.
      + Sổ nhật kí bị địch bắt tù đầy từ năm 1951 đến năm 1954 của ông Trần Đông, sinh năm 1929 (thôn Du La, xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Vừa tròn 18 tuổi (năm 1945) ông Đông đã tham gia bộ đội và giữ nhiều chức vụ. Tháng 5/1951 ông bị địch càn vây bắt và đưa về giam tại Nhà tù Hải Dương. Những ngày đầu bước chân vào Nhà tù Hải Dương cùng các đồng chí: Bằng, Sơn, Hồng Vũ, ông Trần Đông đã tham gia hoạt động bí mật ngay. Ông được giao phụ trách công tác cất giấu tài liệu, tổ chức hệ thống giao thông trong và ngoài, triệu tập các đầu mối phổ biến chủ trương và thu thập tình hình. Ông hoạt động xuất sắc, không sợ nguy hiểm, có nhiều sáng kiến. Sổ nhật kí ghi chép lại những sự kiện ở Nhà tù Hải Dương vào những năm 1951-1954. Cuốn sổ tuy kích thước nhỏ (7 x 9,5 cm) nhưng đã ghi lại chân thực ngắn gọn cuộc đấu tranh chống chiến tranh phi nghĩa của kẻ xâm lược. Những tù binh như ông Trần Đông sống cảnh tù đầy khổ sai mà vẫn tích cực hoạt động cách mạng trong tù, vẫn ghi chép lại những ngày tháng địch bắt, hỏi cung, tra tấn... Cuốn sổ trên với những sự kiện ghi chép lại từ năm 1951-1954 đã được Ban liên lạc tù chính trị Nhà tù Hải Dương in trong cuốn sách: “Nhà tù Hải Dương 70 năm dưới chế độ thực dân Pháp 1884 -1954” xuất bản năm 2008 tại xưởng in Báo Hải Dương (trang 305). Cuốn sổ nhật kí giấy đen, chữ viết tay bằng bút chì và bút bi, một số trang chữ mờ không đọc được. Hiện vật là kỉ vật đáng quý, đáng trân trọng mà ông và gia đình đã gìn giữ cẩn thận trong nhiều năm. Hiện vật ghi dấu thời gian hoạt động cách mạng của ông Trần Đông, là minh chứng chân thực nhất về việc tra tấn dã man của địch đối với những chiến sĩ cách mạng.
      + Thư của tù nhân Côn Đảo gửi gia đình.
      + Giấy khen.
      + Nhẫn vỏ trai biển.
      Ba hiện vật trên của ông Nguyễn Văn Kim, sinh năm 1930 (thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông Kim là người vừa biết chữ Hán và tiếng Pháp. Ông giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng khi còn rất trẻ. Năm 1945, vừa tròn 15 tuổi ông đã được cơ sở Đảng tại địa phương phân công là giáo viên, phụ trách phong trào thanh thiếu niên và Bình dân học vụ. Từ năm 1948 ông được nhận nhiệm vụ là công an xã (bí mật) và thôn Đội trưởng đội du kích của thôn Tràng Kỹ và xã Tân Trường. Tháng 8/1951 cơ sở hoạt động cách mạng bị lộ, ông bị địch vây bắt và giam tại Nhà tù Hải Dương. Sau khi cùng với các chiến sĩ cách mạng ở Nhà tù Hải Dương tổ chức vượt tù không thành công, ông bị bắt trở lại và đầy đi Côn Đảo (1951) tại nhà tù Côn Đảo ông được Đảng uỷ Đảo tín nhiệm phân công quản lý, lưu giữ các tài liệu mật, nhận tin và đưa tin của lãnh đạo Đảng uỷ Đảo đến các phân Chi bộ và ngược lại. Ông chính là người liên lạc, đưa tin, thư về kế hoạch tổ chức vượt ngục của các chiến sĩ tù Côn Đảo vào ngày 12/12/1952. Tuy nhiên, kế hoạch không thành công. Trong suốt quá trình giam tại nhà tù Côn Đảo từ năm 1951- 1954, cũng như các chiến sĩ tù binh khác, ông Kim cũng được viết thư về thăm nhà. Tuy nhiên, là những tù nhân quan trọng nên việc viết thư về nhà phía địch theo dõi rất khắt khe và có mẫu riêng dành cho các tù binh. Lá thư có dạng hình chữ nhật (KT: 14,8 x 10,5 cm), màu vàng thẫm gồm 2 mặt: Mặt 1 phía trên cùng có ghi bằng tiếng Pháp với nghĩa là thư gửi từ nhà tù Côn Đảo. Phía dưới có ghi: “Tên họ, số đính bài của người tội gửi (Expediteur)” - viết bằng tiếng Việt và địa chỉ người nhận: họ tên người gửi là Nguyễn Văn Kim số 522 P.I.M (mã số tù), B3 (nhà lao 3) Côn Đảo. Gửi Ninh Thị Chung (vợ đồng chí Kim) làng Tràng Kỹ - Quận Chi Khê - Mao Điền - Hải Dương. Mặt thứ 2 là nội dung thư gồm có 3 nội dung, nội dung (1) và (2) nói về sức khoẻ của chính tù binh (khoẻ mạnh hay ốm yếu). Nội dung thứ 3 gồm 3 dòng (hàng) để hỏi tin nhà, không được (đặng) nói việc gì khác, phía dưới có kí tên người gửi. Cả 2 mặt thư đều có dấu xác nhận của thực dân Pháp. Bức thư này được ông Kim viết về cho vợ của mình ngày 7/11/1952. Đây được xem là một trong những hiện vật có giá trị tinh thần rất lớn không chỉ đối với ông Kim mà còn đối với những người làm công tác văn hoá. Hiện vật rất có ý nghĩa và còn rõ chữ.
Giấy khen tự tạo trong nhà tù: Với những việc làm của mình tại nhà tù Côn Đảo ông Kim đã được Đảng bộ Côn Đảo tặng giấy khen nhân kỉ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc ngày 19/5/1954. Xét thành tích của các đồng chí có công trong việc xây dựng Đảng, Ban chấp hành chi bộ L.K.C.V.T (chữ kí hiệu viết tắt bí mật trong tù) tỏ lời khen ngợi đồng chí Kim thuộc A1 đã có “tinh thần tích cực phục vụ Đảng (W) phục vụ nhân dân không quản ngại ngày đêm, đã biết tranh thủ thời gian để học tập, ôn lại tài liệu sửa chữa được nhiều bệnh trạng, xung phong gương mẫu trong mọi việc được nhiều anh em mến phục”. Giấy khen được vẽ bằng tay, trên giấy kẻ ly có chiều dài 15 cm, rộng 9,5 cm, giấy có màu vàng, bên trên có vẽ hình lá cờ màu đỏ và ngôi sao vàng 5 cánh, xung quanh trang trí bông lá lúa, các chữ được viết tay bằng bút mực màu tím và màu xanh. Bí thư chi bộ Tiêu Lỉnh ký ngày 19/5/1954. Chiếc giấy khen này do các chiến sĩ ở nhà tù Côn Đảo tự tay vẽ để tặng cho những chiến sĩ có thành tích xuất sắc. Đây là một trong những kỉ vật rất có ý nghĩa đối với cá nhân ông Kim nói riêng và đối với những chiến sĩ cách mạng Việt Nam nói chung.
      Chiếc nhẫn vỏ trai biển (đường kính: 02 cm) được ông Kim làm trong thời gian bị giam tại nhà tù Côn Đảo từ năm 1951-1954. Ông Kim kể rằng: vào một buổi chiều, sau khi các tù binh lao động khổ sai xong, họ được ra bờ biển để hít thở không khí trong lành. Trong một lần nước rút, đã để lại trên bờ biển Côn Đảo một con trai rất to, khoảng hơn 10 kg. Sau khi tách ruột trai xong, vỏ trai được ghè ra từng miếng, chia đều cho các tù binh. Vì vỏ trai rất đẹp, có nhiều vân sắc, khi các chiến sĩ nhận được vỏ trai, có người thì mài, đẽo thành cái lược, cái trâm, khay nhỏ đựng đồ... Riêng ông Kim thì mài rũa được 2 chiếc nhẫn đeo tay rất đẹp. Một chiếc ông đã tặng cho cháu Giang, là cháu gái của ông, còn một chiếc ông tặng cho Bảo tàng tỉnh để lưu giữ và trưng bầy. Chiếc nhẫn có màu vàng đục được mài theo kiểu nhẫn nam giới, rất bóng. Theo như lời ông Kim kể thì chiếc nhẫn được làm rất cầu kì, thời gian để làm xong hai chiếc nhẫn phải mất mấy tháng vì ông chỉ có thể làm tranh thủ khi lao động khổ sai xong. Ông Kim đã nâng niu và cất giữ chiếc nhẫn như một vật báu của cuộc đời mình. Chúng tôi phải vận động ông mãi, ông mới tặng lại cho Bảo tàng. Đây là một trong những hiện vật có giá trị về mặt tinh thần rất lớn, chúng ta nên trân trọng.
Trong tổng số 118 hiện vật về chuyên đề các chiến sĩ bị địch bắt tù đầy tại Nhà tù Hải Dương và Côn Đảo chưa phải là nhiều song những hiện vật tiêu biểu kể trên thực sự gây xúc động và có ý nghĩa sâu sắc, giá trị văn hoá vô cùng to lớn. Tài liệu hiện vật là linh hồn của Bảo tàng, Bảo tàng muốn có hiện vật phong phú thì cần phải đẩy mạnh công tác sưu tầm. Công việc sưu tầm tài liệu, hiện vật vô cùng khó khăn và vất vả, số hiện vật lưu giữ trong dân không nhiều, có khi đi mà không được kết quả như ý muốn. Bởi vậy, công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật cần những cán bộ chuyên môn thực sự tâm huyết và yêu nghề. 
Hoàng Thị Hương
Phòng Nghiên cứu sưu tầm 
Về Trang Chủ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ : 11 Hồng Quang - P.Nguyễn Trãi -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(0220)3852493
Chịu trách nhiệm xuất bản: Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Huê- Giám đốc
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 3
Tháng này: 8,844
Tất cả: 89,604