BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN 
CÔNG TÁC KHẢO CỔ
Thành tựu nghiên cứu khảo cổ của Bảo tàng tỉnh Hải Dương
22/01/2019 03:37:15

Nguyễn Duy Cương
Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Dương 

Bảo tàng Hải Dương là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa của tỉnh Hải Dương. Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng tỉnh đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học của bảo tàng đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề có liên quan đến vùng đất, sự kiện lịch sử và danh nhân... được các nhà khoa học trong và ngoài nước, các bạn đồng nghiệp ở các Bảo tàng tỉnh bạn ghi nhận và đánh giá cao. Những kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ của bảo tàng được khái quát qua 2 giai đoạn trước và sau ngày thành lập, cụ thể như sau:
1. Trước khi Bảo tàng thành lập (1956-1987)
Ngay sau kháng chiến chống Pháp kết thúc với thắng lợi năm 1954, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh đã chú trọng chỉ đạo ngành Văn hóa - Thông tin tích cực sưu tầm tài liệu, hiện vật lịch sử để phục vụ công tác giáo dục truyền thống. Thời kỳ này, lực lượng cán bộ còn rất ít nhưng các cán bộ của phòng vẫn luôn quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu khảo cổ. Năm 1961, tại thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ), nhân dân trong khi đào đất đóng gạch đã phát hiện thấy một chiếc trống đồng, sau đó cán bộ bảo tàng đã có mặt tiến hành lập hồ sơ, làm thủ tục đưa về kho bảo tàng (năm 2015, trống đồng Hữu Chung được công nhận Bảo vật Quốc gia).
Năm 1962, bộ phận Bảo tồn Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ khai quật mộ thuyền tại thôn La Đôi (Hợp Tiến - Nam Sách). Đến năm 1964, tiếp tục khai quật khu mộ cổ ở thôn Ngọc Lặc (Ngọc Sơn - Tứ Kỳ). Đây là khu vực thành Dền (lỵ sở đầu tiên của tỉnh Hải Dương). Cuộc khai quật thành công, đưa về bảo tàng nhiều hiện vật có giá trị, giúp giải mã nhiều vấn đề về giai đoạn lịch sử thời kỳ đầu Công Nguyên. Kết quả nghiên cứu khai quật đã góp phần làm sáng tỏ một phần nền văn hóa Đông Sơn ở Hải Dương.
 Những cuộc nghiên cứu khai quật tại hai khu di tích lớn là Kiếp Bạc và Côn Sơn thuộc huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh) đã đánh dấu bước trưởng thành của Bảo tàng tỉnh. Năm 1972, tại Kiếp Bạc đã phát hiện ra nền móng Phủ đệ của Trần Hưng Đạo, mở đầu cho công tác nghiên cứu khai quật tại khu di tích đặc biệt quan trọng này. Năm 1979, tại di tích Côn Sơn đã phát hiện được nhiều mảnh tháp Huyền Quang bằng đất nung thời Trần (thế kỷ XIII-XIV). Sau này, Bảo tàng lịch sử Quốc gia đã nghiên cứu phục chế tháp Huyền Quang và trưng bày ngoài trời.
Ngoài các cuộc phối hợp khai quật, Bảo tàng còn tiến hành nghiên cứu, thu hồi các hiện vật đồ đá ở Hàm Ếch, xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh (nay là phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh); đồ đồng ở Đồi Thông xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn; thu hồi trống đồng làng Gọp xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà. Các hiện vật trong ngôi mộ cổ bà Nguyễn Thị Ngọc Chén ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ...
Điểm lại các hoạt động khảo cổ ở giai đoạn này ta thấy không nhiều nhưng những phát hiện, khai quật nghiên cứu ở đây mang tính định hướng, tạo tiền đề cho những thành tựu khảo cổ mà bảo tàng đạt được trong giai đoạn sau.
2. Sau khi Bảo tàng thành lập (1988 - nay):
Năm 1988, Bảo tàng Hải Hưng (nay là Bảo tàng Hải Dương) được thành lập, lực lượng cán bộ được bổ sung, các phòng, ban chuyên môn được hình thành. Đây là thời kì Bảo tàng đạt được nhiều thành tích trên các mặt hoạt động chuyên môn. Đối với công tác nghiên cứu khai quật khảo cổ thời kì này cũng thu được nhiều thành tựu to lớn thể hiện ở các hoạt động sau: 
2.1. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khai quật chuyên đề gốm cổ trên đất Hải Dương, đặc biệt là khu di tích gốm Chu Đậu (Nam Sách). Đây là trung tâm sản xuất lớn phát hiện năm 1983, được khai quật năm 1986. Trong suốt những năm cuối thế kỉ XX và đầu XXI, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành hàng chục cuộc khai quật nghiên cứu về gốm Chu Đậu thu về hàng nghìn hiện vật có giá trị. Với việc xuất bản cuốn sách “Gốm Chu Đậu”, việc nghiên cứu về trung tâm gốm sứ cổ này căn bản đã được hoàn thành. Điều đó đã khẳng định trình độ và năng lực của cán bộ Bảo tàng tỉnh Hải Dương, gây được tiếng vang lớn khắp trong nước và quốc tế.
Những năm đầu thế kỷ XXI, Bảo tàng tỉnh đã phát hiện ra quê hương, dòng họ và lăng mộ của bà Bùi Thị H‎‎ý. Kết thúc cuộc tranh luận kéo dài về cuộc đời và sự nghiệp của nữ nghệ nhân nổi tiếng này, đồng thời tạo điều kiện cho việc vinh danh công lao và đóng góp của bà trong lịch sử nghề gốm. Bằng việc hoàn thành nghiên cứu gốm Chu Đậu, đã giúp cho việc nghiên cứu gốm cổ Việt Nam trong thời kì nhà Lê và bổ khuyết những thiếu sót tư liệu về giai đoạn này, tạo cơ sở cho nhiều bảo tàng và nhà sưu tập có cơ sở đối chiếu các hiện vật đang lưu giữ. Ngoài ra, còn giúp cho việc giám định các cổ vật trục vớt tại Cù Lao Chàm được chính xác và thuận lợi. Đây là cơ sở, là tiền đề cho việc xây dựng nhà trưng bày gốm sứ Hải Dương.
2.2. Trên lĩnh vực nghiên cứu và khai quật các di chỉ mộ cổ cũng được quan tâm và triển khai rộng rãi. Nếu như trước đây, việc nghiên cứu và khai quật các ngôi mộ cổ đa số do các cơ quan trung ương tiến hành. Giờ đây, Bảo tàng Hải Dương đã chủ động khai quật và xử lí được các ngôi mộ cổ. 
Năm 1996, Bảo tàng đã tiến hành khai quật ngôi mộ Hán tại thôn Vũ Xá, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách (nay thuộc Tp. Hải Dương), di chuyển và phục dựng tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh phục cho việc nghiên cứu và tham quan. Đây là ngôi mộ Hán khá lớn với diện tích trên 1.325 m2, cao trên 3m so với mặt ruộng. Điều đặc biệt là ngôi mộ có hoa văn đẹp, có niên đại tuyệt đối được khắc trong một viên gạch nằm sát đáy. Theo giáo sư Hoàng Khởi Thiên, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quảng Tây (Trung Quốc) trong chuyến thăm và làm việc tại Bảo tàng Hải Dương đã dịch là: Vĩnh Kiến ngũ niên cổ nguyên vương hoàng tác cáo (Dịch nghĩa là: Mộ cổ Nguyên Vương do Hoàng Tác tạo vào năm Vĩnh Kiến thứ 5 (năm 130), cho biết niên đại tuyệt đối của ngôi mộ là năm 130, thời kỳ Bắc thuộc.
Ngoài mộ Vũ Xá, Bảo tàng tỉnh còn tiến hành xử lí và khai quật hàng chục ngôi mộ cổ khác như: Mộ cổ Minh Đức (Tứ Kỳ), mộ cổ Đông Quan và Đống Cà (Tp Hải Dương), mộ cổ Đồng Tâm (Ninh Giang), mộ cổ Kiệt Thượng (Chí Linh), mộ cổ Hảo Thôn (Nam Sách),… thu về cho kho nhiều hiện vật có giá trị, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử thời cổ đại trên đất Hải Dương.
2.3. Triển khai đề tài nghiên cứu khu hang động tại huyện Kinh Môn, các hang: Đốc Tít, Hàm Long, Tâm Long, Kính Chủ… đều được khảo sát. Đặc biệt tại khu vực hang Thánh Hóa, xã Duy Tân đã phát hiện được nhiều di cốt hóa thạch động vật, trong đó có hóa thạch răng vượn Pongo cách ngày nay từ 5-3 vạn năm cùng nhiều hiện vật đồ đá và đồ đồng. Đây là lần đầu tiên ở Hải Dương phát hiện được một địa điểm có xương, răng động vật hóa thạch và di cốt hóa thạch vượn người ở vị trí gần biển, mở ra việc nghiên cứu thời kì tiền sử trên đất Hải Dương.
2.4. Những thành tựu nghiên cứu khảo cổ ở Hải Dương còn được khẳng định bởi các cuộc khai quật tại di tích phục vụ Hội thảo khoa học Quốc tế về Phố Hiến, Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, Nhà giáo Chu Văn An, nghệ nhân Bùi Thị Hý…Trong công tác tu bổ di tích cũng có đóng góp của khảo cổ. Nhiều di tích được phục dựng từ kết quả nghiên cứu khảo cổ cung cấp như: Khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc, đền thờ Khúc Thừa Dụ, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi và Yết Kiêu ...
Một đóng góp khác của công tác khai quật khảo cổ học là xác định các vật liệu tham gia vào kiến trúc cổ, các loại gạch ngói dùng trong di tích, độ lớn của các chân tảng giúp xác định kích cỡ các loại cột. Những vật liệu mà di tích dùng để kè, lát nền công trình mà điển hình là ở chùa Hậu Bổng (Gia Lộc), thông qua khai quật đã tìm thấy gạch có chữ Hán, phiên âm là: Thu Vật huyện, mộc độc hương… Đối chiếu với các tài liệu cổ thì Thu Vật huyện thuộc tỉnh Yên Bái ngày nay. Đây là vùng đất có điền trang thái ấp của một qúy‎ tộc thời Trần, với việc phát hiện ra gạch có chữ này đã giúp cho việc xác định niên đại của di tích và mối quan hệ của vùng đất này với vùng đất của huyện Thu Vật xưa. Ở di tích chùa Côn Sơn đã khai quật được ngói tráng men với nhiều loại hoa văn phong phú, đây là những hiện vật độc đáo, góp phần khẳng định vị trí của di tích Côn Sơn, xứng đáng là chốn Tổ của Phật giáo Việt Nam. Rất nhiều loại ngói mũi hài truyền thống, gạch hoa cúc nổi thời Trần mà khảo cổ học phát hiện đã được phục chế đưa vào các công trình tu bổ tôn tạo.
2.5. Ngoài công việc nghiên cứu khai quật khảo cổ dưới lòng đất, bảo tàng còn quan tâm đến khảo cổ học trên mặt đất, đó là các công trình khảo sát, điền dã hệ thống đình, chùa, lăng tẩm, các tài liệu Hán Nôm nhằm phục vụ cho công tác xếp hạng di tích và kiểm kê cổ vật. 
Tiến hành triển khai thu hồi cổ vật tại các địa phương khi được phát hiện. Tiêu biểu như sưu tập súng Thần công Cầu Ghẽ - Cẩm Giàng (1996), trống đồng, thạp đồng An Lương - Thanh Hà (2011), cầu đá Hảo Thôn - Nam Sách (2004) …
Những thành tựu nghiên cứu khảo cổ của Bảo tàng Hải Dương rất đáng được ghi nhận và tự hào. Có được thành tựu đó trước hết được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước cùng sự vươn lên của các cán bộ Bảo tàng tỉnh hôm nay. Đây là cơ sở cho các thế hệ đương thời tiếp tục xây dựng Bảo tàng Hải Dương ngày càng phát triển, có vị trí trong hệ thống Bảo tàng toàn quốc./.
Về Trang Chủ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ : 11 Hồng Quang - P.Nguyễn Trãi -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(0220)3852493
Chịu trách nhiệm xuất bản: Trưởng Ban biên tập: Bà Nguyễn Thị Huê- Giám đốc
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 10
Hôm nay: 211
Tháng này: 8,576
Tất cả: 89,336