BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM

Thời bao cấp, cách gọi nôm na của người dân là “thời tem phiếu”, “thời đặt gạch xếp hàng”… Đây là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước ta, với nhiều dấu ấn và hoài niệm của không ít người từng sống trong thời kỳ này. Tưởng chừng câu chuyện về thời kỳ bao cấp đang mờ dần trong cuộc sống ồn ào, tấp nập và có nhiều đổi thay. Nhưng đâu đó, vẫn còn nằm sâu trong ký ức của nhiều người và được ôn lại qua các câu chuyện kể khi so sánh với cuộc sống đời thường hôm nay.

Với mong muốn ôn lại những ký ức, hồi tưởng về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, Bảo tàng tỉnh Hải Dương xây dựng một số nội dung hoạt động trải nghiệm tái hiện ký ức về thời bao cấp, mang đến cho du khách những cảm xúc đặc biệt, gợi lại cả một thời xa xưa thật hiếm có, để nhớ và hiểu sâu sắc hơn về một thời đã qua; cũng như giúpthế hệ trẻ hôm nay có những trải nghiệm và hiểu về cuộc sống hiện đại khác thế nào so với thời bao cấp.

1.     Trải nghiệm xếp hàng - mua hàng bằng tem phiếu

Chắc hẳn, trong tâm trí của rất nhiều người vẫn còn lưu giữ hình ảnh từng đoàn người xếp hàng chen chúc trước “Cửa hàng mậu dịch” hay còn gọi là “Cửa hàng bách hóa” trên tay cầm những mẩu giấy nhỏ hay quyển sổ mua lương thực để xếp hàng chờ mua lương thực, thực phẩm, chất đốt, đồ dùng sinh hoạt… theo tiêu chuẩn tem phiếu được Nhà nước cấp phát. Mỗi lần đi mua hàng phải “đặt cục gạch” từ 1, 2 giờ sáng để giữ chỗ. Thậm chí, có người phải cùng lúc xếp hàng ở hai, ba nơi, mỗi nơi lại đặt một cục gạch đánh dấu vị trí của mình. Và hiếm người chen lấn. Họ sẵn sàng nhường nhịn nhau nếu ai đó gặp khó khăn. Thời ấy, thói quen xếp hàng, kiên trì xếp hàng, nhẫn nại xếp hàng, bền bỉ xếp hàng diễn ra mờ mịt suốt ngày dài tới đêm thâu đã trở thành một “nét văn hoá” không còn xa lạ với người Việt. Người ta thường nhớ thời bao cấp với sự thiếu đói triền miên, nhưng cái đói khiến cho mọi người bao bọc, xích lại gần nhau hơn. Đây là bài học về sự giúp đỡ, nhường nhịn và yêu thương nhau đối với các bạn trẻ. Sau hơn 30 năm tồn tại, “Cửa hàng mậu dịch” thời bao cấp đã được xoá bỏ năm 1986.

 

Và, để cùng nhau ôn lại những hoài niệm về một thời đã xa, tạo cơ hội cho giới trẻ được trải nghiệm, tìm hiểu sâu hơn về một giai đoạn vô cùng khốn khó của cha ông trước đây, Bảo tàng tỉnh Hải Dương lồng ghép chương trình tham quan trưng bày chuyên đề “Nhớ về thời bao cấp” cùng với tổ chức hoạt động trải nghiệm “Xếp hàng - mua hàng bằng tem phiếu”. Tham gia hoạt động trải nghiệm, khách tham quan sẽ được thay nhau “đóng vai cô mậu dịch viên” bán hàng với bộ trang phục đặc trưng riêng và lần lượt xếp hàng nhận tem, phiếu; xếp hàng chờ mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng… Với hoạt động trải nghiệm này, góp phần rèn luyện cho các bạn nhỏ ý thức xếp hàng và hiểu hơn về “văn hóa xếp hàng” - một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

2.     Trải nghiệm “Nấu cơm độn”

Cuộc sống hôm nay, khi “cái ăn, cái mặc” đã không còn là nỗi lo của hầu hết các gia đình trong xã hội. Bát cơm độn ngô, khoai, sắn, hạt bo bo…, thiếu thịt cá đã trở thành hình ảnh của quá khứ rất xa. Ngược dòng lịch sử, trở về với quá khứ đầy ắp những kỷ niệm, Bảo tàng Hải Dương tổ chức hoạt động trải nghiệm “Nấu cơm độn” để giúp ông bà, bố mẹ có điều kiện cùng với con cháu của mình ôn lại những kỷ niệm khó quên về “thời ăn cơm độn”. Qua đó, tạo cơ hội gắn kết, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, đồng thời góp phần giáo dục con cháu hiểu hơn về những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của cha ông đã phải trải qua trong quá khứ. Từ đó, có sự chia sẻ, đồng cảm và biết ơn thế hệ đi trước để chúng ta có được cuộc sống đủ đầy hôm nay.

Tham gia hoạt động trải nghiệm, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau tái hiện lại một không khí vô cùng đầm ấm “nhóm lửa thổi cơm”. Và, điều đặc biệt nằm ở “cách thức” chế biến và “hương vị” của bữa cơm hôm nay sẽ “khác lạ” hơn so với ngày thường. Đó là món “cơm độn khoai” - một trong những món ăn phổ biến dưới thời bao cấp. Đặc biệt, tham gia buổi trải nghiệm, các bạn nhỏ còn có cơ hội được giao lưu với vị khách mời là “nhân chứng lịch sử” - Một người đã từng sống và trải qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, kể lại những câu chuyện, những bài học vô cùng ý nghĩa.

3.     Trải nghiệm “Xem phim chiếu bóng”

 Hồi ức về thời bao cấp không chỉ gói gọn trong những cái khó, cái khổ của nền kinh tế, mà còn là những nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Hồi đó, chưa có phim truyền hình mà chỉ có phim truyện nhựa, phim tài liệu. Phim được phát trên truyền hình Trung ương hay chiếu tại các rạp chiếu bóng hoặc Đội chiếu bóng lưu động tại các sân kho, sân HTX... “Rạp chiếu bóng” có lẽ là một thuật ngữ gợi nhớ về những ký ức thanh xuân vô cùng tươi đẹp. Niềm vui chung của những ngày thiếu thốn là niềm vui chung trong thanh xuân của nhiều thế hệ dưới thời bao cấp. Ở những vùng nông thôn, trong đó có Hải Dương, phim thường được chiếu trên màn hình ở bãi đất rộng (thường là sân kho) gọi là “xem chiếu bóng”. Cả tháng Đội chiếu bóng lưu động mới về một lần và đồ nghề rất đơn giản: chỉ có 1 máy chiếu, 1 màn ảnh là tấm vải to hình chữ nhật màu trắng và 1 vài cuộn phim. Nội dung phim thường gần gũi với quần chúng, tư tưởng và quan điểm của Đảng, có giá trị nghệ thuật. Người dân đến xem phim tự mang theo các vật dụng để ngồi hoặc ngồi luôn xuống đất trên cùng một bãi đất rộng, chứ không có ghế sẵn và phòng riêng như rạp chiếu phim hiện đại tại các tại các thành phố lớn như bây giờ.

Ngày nay, khi mà cuộc sống đã có quá nhiều đổi thay, các trung tâm Điện ảnh lớn ra đời, với những máy chiếu phim đời mới, các phòng chiếu phim cùng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại. Nhưng các rạp chiếu bóng, các bãi chiếu phim từng tồn tại một cách kiêu hãnh của thời kỳ gian khổ sẽ còn lưu dấu nhiều kỷ niệm đẹp trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt. Và, để tái hiện lại một trong những hoạt động văn hóa - văn nghệ của thời bao cấp, Bảo tàng tỉnh Hải Dương phối hợp với Phòng Phát hành phim và chiếu bóng (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) tổ chức chiếu phim màn ảnh rộng tại  khuôn viên trước sân Bảo tàng để phục vụ nhân dân và khách tham quan, với các bộ phim nổi tiếng, có nội dung đề cập đến các vấn đề trong đời sống xã hội dưới thời bao cấp như: Chuyến xe bão táp, Bao giờ cho đến tháng 10...

Thời bao cấp đã trôi qua, những ký ức, những ngày gian khó ấy vẫn cứ hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, qua từng câu chuyện của các thế hệ đi trước. Thông qua trưng bày “Nhớ về thời bao cấp” và các hoạt động trải nghiệm, Bảo tàng Hải Dương hy vọng các bạn trẻ sẽ có những cảm nhận sâu sắc về thời kỳ khó khăn của dân tộc, có niềm cảm thông và trân quý hơn với thế hệ đi trước. Qua đó, các bạn cũng ý thức được giá trị lớn lao của thành tựu mà cả dân tộc đạt được ngày hôm nay. Để rồi các bạn sẽ thấy rằng mình cần làm gì để giữ gìn và phát triển hơn nữa những thành quả đó trong cuộc sống hiện tại.

Bảo tàng tỉnh Hải Dương, trân trọng kính mời quý khách, quý thầy cô giáo, các bạn học sinh và nhân dân tới tham quan, cùng tham gia các hoạt động trải nghiệm./.

                                                                             Đặng Thị Thoan 
Các tin mới hơn
TRẢI NGHIỆM LÀM BÁNH TRÔI, BÁNH CHAY TRUYỀN THỐNG(04/04/2024)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC XEM CHIẾU BÓNG THỜI BAO CẤP MIỄN PHÍ(23/11/2023)
Các tin cũ hơn
THƯ MỜI TRẢI NGHIỆM "SẮC MÀU TRUNG THU"(08/09/2023)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU, KHẢO SÁT NGHỀ LÀM MẶT NẠ GIẤY BỒI(22/06/2023)
CÁN BỘ BẢO TÀNG TỈNH TIẾP CẬN NGHỆ THUẬT NẶN TÒ HE(23/05/2023)
BẢO TÀNG TỈNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VÀ TRÒ CHƠI DÂN GIAN PHỤC VỤ “PHỐ ĐI BỘ - CHỢ ĐÊM HẢI DƯƠNG”(27/04/2023)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG THAM DỰ CUỘC THI ẢNH “NÉT ĐẸP PHỤ NỮ NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH”(19/10/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín