BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

      Về Thanh Hà trong những ngày cuối tháng 5 tôi mới cảm nhận được hết cái không khí của một mùa thu hoạch vải. Từ xa, màu nắng và màu đỏ rực của những chùm vải trĩu cành như đang hòa quyện với nhau tạo thành một bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Câu chuyện về nguồn gốc và sự phát triển của cây vải trên mảnh đất này cũng khiến tôi không khỏi tò mò. Và tôi đã tìm đến xã Thanh Sơn - nơi có cây vải tổ tọa lạc để tìm hiểu.
      Từ nguồn gốc ...
      Cây vải Tổ được trồng tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn. Theo ông Hoàng Văn Lượm, cháu đời thứ 4 của cụ Hoàng Văn Cơm cho biết: Cây vải Tổ có niên đại cách ngày nay gần 200 năm, do cụ Hoàng Văn Cơm (tự là Phúc Thành) là người trồng. Và để giải thích cho tên của cụ Hoàng Văn Cơm, ông Lượm cho biết: vì cụ Thành đem được giống vải thiều về trồng ở quê nhà, cũng là đem cơm gạo về cho dân làng nên mọi người gọi cụ là cụ Cơm. Gần hai thế kỷ đã đi qua nhưng câu chuyện về nguồn gốc của cây vải tổ vẫn được các con cháu của cụ Cơm "khắc cốt ghi tâm" qua nhiều thế hệ.
      Thời trẻ, cụ Hoàng Văn Cơm thường buôn hoa quả ra Hải Phòng bán. Năm 1870, trong một lần dự tiệc với người Hoa Kiều tại Hải Phòng, cụ được ăn loại vải ngon nên mang về 3 hạt ươm thử tại vườn nhà ở thôn Thúy Lâm. Do thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, nên một trong ba hạt nảy mầm thành cây. Cây vải sinh trưởng tốt, đến vụ, quả trĩu cành, cụ mời mọi người trong làng tới thưởng thức. Dân làng thấy ngon miệng tấm tắc khen. Do quả vải này được trồng từ loại vải có nguồn gốc ở Thiều Châu (Trung Quốc) nên có tên gọi là vải thiều. Từ cây vải quý đó, cụ Hoàng Văn Cơm đã chiết cành nhân giống ra vườn nhà và tặng cho người thân trong và ngoài xã.
 
(Cây vải Tổ tại thôn Thuý Lâm, Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương - nguồn: baohaiduong.vn)
      Năm1958, cán bộ và nhân dân thôn Thúy Lâm đã chọn những quả vải ngon ngọt nhất từ cây vải Tổ gửi biếu Bác Hồ. Sau khi thưởng thức, Bác khen, Thúy Lâm có giống vải quý, ăn rất ngon và khuyến khích nhân dân phát triển giống vải này. Đến thập niên 1960, từ phong trào làm vườn hợp tác và Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, vải Thuý Lâm được nhân giống tích cực ở khắp các xã của huyện và phát triển ra những huyện khác và một số tỉnh lân cận như: huyện Chí Linh (Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh) hay Lục Ngạn (Bắc Giang)...
      Trong những năm đất nước bước vào đổi mới, lãnh đạo huyện Thanh Hà khuyến khích người dân chuyển sang trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Những cánh đồng lúa chiêm trũng, năng suất thấp dần chuyển sang trồng vải. Cây vải đã trở thành cây kinh tế chủ lực của người dân nơi đây.
      Đến giá trị bảo lưu và phát triển
      Gần 200 năm đã trôi qua, cây vải Tổ vẫn đứng đó, mang theo những nét trầm mặc của thời gian nhưng vẫn căng đầy sức sống. Trải qua bao năm mưa gió, bão bùng, cùng với chiến tranh tàn phá, cây vải Tổ vẫn sừng sững, hiên ngang giữa đất trời. Thân cây vải Tổ đã được phủ một lớp rêu xanh, gốc cây to xù xì bám chặt đất. Hàng chục cành cây như những cánh tay khổng lồ rắn chắc, vươn ra xa tỏa bóng mát khắp một góc vườn. Và, dù đã hàng trăm năm tuổi nhưng năm nào cây vải tổ cũng cho ra những trái ngọt. Có thể khẳng định, cây vải Tổ không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang giá trị văn hóa, lịch sử đối với người dân nơi đây.
      Năm 1992, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã truy tặng “Bằng khen” kèm theo bia ghi danh cụ Hoàng Văn Cơm - người có công trồng cây vải Tổ và được nhân dân trong vùng tôn là "ông Tổ vải thiều Thúy Lâm".
Năm 2016, cây được xác lập Kỷ lục là “Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam”. Đối với người dân Thành Hà nói riêng và Hải Dương nói chung, cây vải tổ như một vật báu, minh chứng cho nguồn gốc lâu đời của giống vải ngon trứ danh riêng có và là niềm tự hào biết bao đời của người dân xứ Đông.
      Với đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Hà đã xây dựng tấm bia ngay dưới gốc cây vải Tổ với dòng chữ: “Nhân dân huyện Thanh Hà nhớ ơn cụ Hoàng Văn Cơm có công trồng cây vải thiều tổ”. Năm 2017 công trình nhà thờ nơi tưởng nhớ “Ông tổ” - người đã có công mang vải về đất Thanh Hà cũng đã được khởi công xây dựng. Đây trở thành địa điểm lý tưởng cho du khách thăm quan và thưởng thức hương vị vải thiều Thanh Hà mỗi khi mùa vải đến..
      Để nâng cao vị thế của vải thiều Thanh Hà, từ năm 2011 đến nay, nông dân huyện Thanh Hà đã tiến hành trồng vải theo quy trình VietGAP, GlobalGap. Năm 2020, có gần 500 ha đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30 ha sản xuất theo quy trình GlobalGAP và 155 ha sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm 2021, quy hoạch 37 vùng, với diện tích 400 ha vải để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Duy trì 17 vùng, diện tích 155,2ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước: Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Singapo... Vải thiều Thanh Hà là sản phẩm duy nhất của tỉnh Hải Dương được cấp chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” vào năm 2007; đạt “Tốp 50 sản phẩm uy tín, chất lượng” (năm 2012); lọt “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” (năm 2013 ) và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 03 miền” (năm 2014). Năm 2015 được vinh danh Top đầu với 02 giải thưởng “Thương hiệu vàng”, “Logo và Slogan ấn tượng năm 2015”,...
      Năm 2019, để bảo tồn cây vải Tổ, UBND huyện Thanh Hà đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen cây vải tổ tại xã Thanh Sơn”. Đề tài tập trung đánh giá hiện trạng sinh trưởng, phát triển của cây vải tổ và việc bảo tồn nguồn gen cây vải tổ tại địa phương. Đồng thời áp dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm bảo tồn cây vải tổ; thiết lập phương án kế vị, sử dụng biện pháp kỹ thuật chiết cành để nhân giống từ cây vải tổ quý hiếm.
      “Cau Phù Tải, vải Thúy Lâm”- Với những ai đã từng được thưởng thức quả vải thiều Thanh Hà hẳn không thể quên được hương vị của nó. Một loại quả hạt nhỏ, cùi dày, ăn rất thơm và ngọt lịm như đường, mới thấy được vì sao nó nổi tiếng và cần được gìn giữ đến thế. Hãy về với quê hương tôi, mảnh đất xứ Đông trong những ngày này để thấy được cảnh tấp nập thu hoạch vải thiều. Về đây, các bạn không những được trải nghiệm mà còn được đắm mình vào không gian xanh mát, ngắm nhìn những vườn vải thiều chín đỏ ngút ngàn, thưởng thức và cảm nhận sự thơm ngọt thanh mát của những trái vải chín và cả sự đôn hậu, nhiệt tình, hiếu khách của người dân quê tôi.
Lê Thị Thủy Ngọc và Đặng Thị Thoan
Phòng Trưng bày 
.
Các tin mới hơn
CHÙA ĐỘNG NGỌ - NƠI LƯU GIỮ TẤM BIA CỔ GHI VIỆC XÂY DỰNG TÒA CỬU PHẨM LIÊN HOA(03/07/2023)
XÃ HÀ THANH ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH ĐÌNH CHÙA TRI LỄ(06/03/2023)
NGÔI ĐÌNH THỜ DANH TƯỚNG TỪNG GIÚP VUA LÝ NHÂN TÔNG ĐÁNH GIẶC TỐNG(27/10/2021)
CHIẾC BÚT MÁY KIM TINH - KỶ VẬT THỜI CHIẾN CỦA ANH HÙNG LLVTND TRẦN TRỌNG THƯỜNG(04/10/2021)
ĐÌNH MAI XÁ VỚI TẤM BÌA ĐÁ CỔ THẾ KỶ XVII(13/09/2021)
Các tin cũ hơn
5 CỔ VẬT TIÊU BIỂU - ĐỘC ĐÁO TRONG SƯU TẬP GỐM CÙ LAO CHÀM TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG(28/05/2021)
ĐÌNH TẢ - NƠI THỜ VỊ TRẠNG NGUYÊN ĐẦU TIÊN CỦA XỨ ĐÔNG(28/05/2021)
MIẾU SẾU - TRONG CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA(26/05/2021)
DI TÍCH ĐÌNH PHAO SƠN NƠI THỜ VỊ DANH TƯỚNG CỦA AN DƯƠNG VƯƠNG (26/05/2021)
MỘT VÀI QUY ĐỊNH CỦA SẮC PHONG THẦN THỜI NGUYỄN(24/05/2021)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín