BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH

         Đình Cả nằm ở trung tâm của thôn 5, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đình là nơi tôn thờ 7 vị Thành hoàng có công giúp dân, giúp nước. Trước Cách mạng tháng 8/1945, tại di tích diễn ra hai kỳ lễ hội: Ngày mồng 5 và mồng 6 tháng 11 (âm lịch): kỷ niệm ngày hóa của Thành hoàng làng, đây là kỳ lễ hội chính trong năm. Trong những ngày tổ chức lễ hội, bên cạnh phần lễ linh thiêng, trang trọng. Phần hội diễn ra sôi nổi, mọi người đều hân hoan, quên đi những gánh nặng lo toan của cuộc sống để hòa mình vào các trò chơi, có rất nhiều trò chơi dân gian diễn ra như: Pháp đất, cờ tướng, chọi gà, cầu thùm, pháo đất, bắt vịt, kéo co... Hình thức tham gia các trò chơi như sau:
 
 
 
Đình Cả, Tân Hương, Ninh Giang
 
         Pháo đất: Công cụ để chơi pháo đất được làm từ các loại đất có độ quánh cao như đất sét, đất thịt... Pháo thường có dạng như hình cái chảo hoặc hình bầu dục có thành dày hơn đáy với kích thước linh hoạt và nhiều khi phụ thuộc vào lượng đất nguyên liệu kiếm được. Pháo đất được chế tác rất to, gọi là mâm pháo và có thể dùng từ 20kg đến 50kg đất. Sân chơi thường là mặt bằng càng phẳng càng tốt để vành pháo có thể tiếp xúc khít nhằm gây tiếng nổ to. Kỹ thuật làm pháo đất như sau: đất được làm tăng độ dẻo và nhuyễn bằng cách nhào nặn nhiều lần để khi nặn thì độ bền của thành hoặc đáy ở những chỗ có độ dày giống nhau tương đối đồng đều. Trường hợp đất quá khô phải cho thêm nước khi nhào, nặn. Độ dày của đáy phải ở mức độ phù hợp với diện tích của nó thì khi nổ mới tạo thành tiếng kêu to và vết phá ở đáy vừa phải. Vành của pháo đất phải được làm sao cho nó tạo thành một mặt phẳng có thể úp khít xuống mặt sân chơi. Ở những hội thi, khi làm pháo lớn, người ta làm vành pháo giống như cạp của rổ, rá. Kỹ thuật nổ pháo người chơi cho pháo nổ bằng cách cầm pháo theo cách đáy pháo tiếp xúc với lòng bàn tay rồi ụp mạnh xuống để vành pháo tiếp xúc với bề mặt sân chơi. Kỹ thuật này đòi hỏi độ chính xác để có thể tạo ra tiếng nổ to. Nếu góc tiếp xúc không chuẩn, pháo sẽ vón thành một cục đất chứ không nổ. Khi pháo đập xuống mặt sân chơi, áp suất cao của không khí trong lòng pháo bị nén sẽ phá vỡ đáy tạo thành tiếng nổ. Luật chơi pháo đất rất đơn giản, người chơi sẽ được chia những phần đất đều nhau để làm quả pháo đất của mình. Những người chơi lần lượt cho pháo nổ, pháo của ai nổ to được coi là thắng cuộc. Ở cuộc thi pháo đất ngoài nổ to phải kèm theo yêu cầu vết phá ở đáy pháo càng rộng càng tốt hoặc vành pháo sau khi nổ phải tách rời ra và nằm vắt ngang thân mà không bị đứt đoạn. Pháo đất cũng có thể chia nhiều người chơi thành hai phe và cử đại diện cho pháo nổ. Phần thưởng là tiền mặt, tùy theo năm có thể là nhiều hay ít, phần thưởng chỉ mang tính khích lệ cho cuộc thi tăng thêm phần sôi động.
 
 
 
 
         Cờ tướng: Cờ tướng đòi hỏi người chơi phải có tư duy chiến thuật, chiến lược tốt mới có thể giành thắng lợi. Cờ sử dụng quân bằng gỗ, sừng, ngà…có 32 quân, chia đều cho mỗi bên gồm 16 quân trắng hoặc đỏ và 16 quân đen hoặc xanh lục, gồm 7 loại quân (Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt). Bàn cờ là một hình chữ nhật do 9 đường dọc và 10 đường ngang cắt nhau vuông góc tại 90 điểm hợp thành. Một khoảng trống gọi là sông (hay hà) nằm ngang giữa bàn cờ, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng bằng nhau. Mỗi bên có một cung Tướng hình vuông (Cửu cung) do 4 ô hợp thành tại các đường dọc 4, 5, 6 kể từ đường ngang cuối của mỗi bên, trong 4 ô này có vẽ hai đường chéo xuyên qua. Theo quy ước, khi bàn cờ được quan sát chính diện, phía dưới sẽ là quân trắng (hoặc đỏ), phía trên sẽ là quân đen (hay xanh lục). Các đường dọc bên trắng (hoặc đỏ) được đánh số từ 1 đến 9 từ phải qua trái. Các đường dọc bên đen được đánh số từ 9 tới 1 từ phải qua trái. Ván cờ được tiến hành giữa hai người, một người cầm quân trắng (hay đỏ), một người cầm quân đen (hay xanh lục). Mục đích của mỗi người là tìm mọi cách đi quân trên bàn cờ theo đúng luật để chiếu bí hay bắt Tướng của đối phương thì giành thắng lợi.
         Cầu thùm: Được tổ chức tại ao gần khu vực di tích. Trò này trẻ em, người lớn ai cũng có thể chơi. Yêu cầu người chơi phải có khả năng giữ thăng bằng tốt. Dụng cụ để chơi là một cây tre dài từ 5 đến 7 mét, một đầu được gác lên bờ và một đầu được treo lơ lửng trên mặt nước bằng dây thừng buộc vào một cái chạc gồm ba cây tre buộc chụm đầu vào nhau tạo điểm tựa vững chắc. Từng người chơi một lần lượt bước lên cầu kiều. Họ phải đi từ từ và hết sức cẩn thận để cho cây cầu ít bị rung lắc. Ai đi hết được chiều dài của cây cầu sẽ là thắng cuộc và giải thưởng được trao là tiền mặt.
         Chọi gà: Ðể có được con gà chọi hay đòi hỏi người phải có công phu và kinh nghiệm, từ việc chọn giống gà, gây giống, xem tướng gà, nuôi dưỡng, luyện tập v.v... Chọn gà tài trước tiên là xem hình dáng, tướng mạo, xét kỹ 5 bộ phận trên mình gà, gọi là ngũ thường gồm: Vảy chân, đùi, lông, mỏ và tiếng gáy. Chọn vảy gà hay, gà tài rất quan trọng. Đòn, thế đá của gà hay, gà tài thường thể hiện trên vảy ở hai chân. Việc chăm sóc gà cũng không kém phần quan trọng đòi hỏi thời gian và tính kiên trì, khi cho ăn cần treo lên cao để gà có thể nhón chân vì thế gà đá sẽ hay hơn. Thức ăn cho gà cần đãi sạch sẽ, đôi khi cho ăn thêm thịt bò, tép, lươn, giá hoặc cà để gà mát đá đòn mạnh. Cần chọn gà có những vảy sao để có thể chống trả đòn hiểm của đối thủ. Ngoài ra có thể chọn những gà có vảy: gạc thập, xuyên đao, xuyên tạc, huyền trâm, hàm long, địa giáp,... vì có thể đánh bại địch thủ rất nhanh chóng. Đến hội gà được mang ra để thi đấu, hình thức chơi được chia theo các cặp đấu và đấu theo các hồi mỗi hồi từ 10 đến khoảng 15 phút. Gà nào thắng thì sẽ được giải là tiền mặt, tùy từng năm mà giải thưởng có thể cao hay thấp.
         Đánh vật: Vật được tổ chức tại sân đình, đánh vật là trò tác chiến giữa hai đối thủ cố gắng kềm chế đối phương bằng cách nắm, kéo, vặn, đè, v.v... nhưng không được trực tiếp đấm hay đá. Theo luật lệ người thắng là người chiếm được nhiều ưu điểm: bằng cách đè ngửa đối phương, hoặc đối phương chịu thua hay bị đẩy ra ngoài vòng thi đấu. Những người tham gia môn này được gọi là các đô vật. Thông thường môn này dành cho những thanh niên có thân hình vạm vỡ, to khỏe và có độ nhanh nhẹn. Đô vật khi dự vật mình trần trùng trục và chỉ đóng một chiếc khố. Trước khi vật, hai đối thủ cùng nhau lên đài, múa tay co chân, đi lại rình miếng lẫn nhau. Sau đó, xông vào nhau ôm lấy nhau mà vật. Vật có nhiều giải phụ và ba giải chính. Những giải phụ gọi là giải hàng dành cho ai thắng một keo vật bất kỳ. Những giải chính hàng năm đều có người giữ với điều kiện người đó phải thắng trong suốt thời gian mở hội. Thông thường giải thưởng là tiền mặt, tùy theo năm có thể nhiều hay ít.
         Bắt vịt: Được tổ chức tại ao làng, trò khuyến khích nhiều đối tượng tham gia. Tại ao làng người ta thả 1 con vịt khỏe mạnh, mỗi lần chơi từ 2 đến 3 người có thể tham gia và thời gian cho mỗi lần chơi là từ 15 đến 20 phút. Ai bắt được vịt giải thưởng sẽ chính là con vịt đó. Sau thời gian theo quy định mà không ai bắt được vịt sẽ phải lên để cho những người khác tham dự. Trò này đòi hỏi người chơi phải là những người khỏe mạnh để có thể ngụp lặn, đồng thời bơi nhanh nhẹn.
         Kéo co: Đây là trò chơi mang tính tập thể và là môn trú trọng vào sức mạnh, mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia. Trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Để chiến thắng, đội chơi cần có sức lực mạnh để kéo, trụ, nắm chặt dây và giật. Thể thức chơi của trò kéo co khá đơn giản, mỗi bên sẽ có số lượng bằng nhau. Hai đội sẽ nắm vào một sợi dây thừng và sợi dây này sẽ được đánh dấu bằng một vạch trung tâm giữa dây ngoài ra một được vạch cũng được đánh dấu trên mặt đất. Thông thường sẽ có một trọng tài phất cờ ra hiệu để hai bên thi đấu. Bên nào kéo được phần có đánh dấu trên sợi dây qua vạch thì bên đó thắng.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, ngoài phần nghi lễ linh thiêng, phần hội cũng đóng góp lớn để lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp. Lễ hội đình cả là nét đẹp cho sinh hoạt tín ngưỡng trong lễ hội truyền thống trên mảnh đất Ninh Giang nói riêng và trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung. Ngoài lễ hội trên, tại di tích còn kỳ lễ hội mồng 2 tháng Giêng (âm lịch) tổ chức phiên chợ đình đây là lễ hội và là sự kiện đặc trưng duy nhất trên địa bàn tỉnh Hải Dương./.
 
                                        ĐỖ ĐÌNH QUYẾT
                                      PGĐ. Bảo tàng Hải Dương
Các tin mới hơn
XÃ CẨM HOÀNG (HUYỆN CẨM GIÀNG) TỔ CHỨC LỄ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP TỈNH ĐÌNH PHÍ XÁ (19/04/2024)
KHẢO SÁT DI TÍCH XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA NĂM 2024(16/04/2024)
THÔNG BÁO DANH MỤC DI TÍCH XÂY DỰNG HỒ SƠ XẾP HẠNG NĂM 2023(30/06/2023)
KHẢO SÁT DI TÍCH ĐỀ NGHỊ XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA(09/05/2023)
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC MỞ RỘNG XÉT DUYỆT HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH NĂM 2022(12/12/2022)
Các tin cũ hơn
LÒNG TRUNG QUÂN PHỤC QUỐC CỦA TƯỚNG QUÂN ĐOÀN THƯỢNG(22/09/2022)
HAI NGÔI ĐÌNH LỊCH SỬ THỜ TƯỚNG QUÂN ĐINH ĐIỀN(11/07/2022)
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH NHO HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG (17/06/2022)
ĐÌNH LÀNG(25/04/2022)
LÊ ĐẠI HÀNH VỚI VÙNG ĐẤT DƯỢC ĐẬU TRANG(25/04/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín