BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
SƯU TẦM CHUYÊN ĐỀ

         Hải Dương là tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, thuộc nhiều thời kỳ lịch sử với đầy đủ các loại hình di tích. Trong thông báo này, chúng tôi xin trình bày về 2 chiếc giếng cổ ở huyện Tứ Kỳ và Cẩm Giàng.
1. Giếng đá cổ chùa Lâm, huyện Tứ Kỳ
         Chùa Lâm ở thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (Tên tự là Đông Dương Tự). Chùa Lâm được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XVII. Theo bia “Đông Dương tự bi” (東陽寺碑) của chùa (hiện bia gốc lưu giữ tại Bảo tàng Hải Dương) cho biết, vào năm Đức Long thứ 4 (1632, thời vua Lê Thần Tông) có vị tướng giỏi, tài ba trong triều đình là Nguyễn Thế Mỹ, tự là Vạn Phúc, là người xã Đoàn Xá, tổng Mạc Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Ninh Giang, nay là xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã cùng vợ hưng công tu tạo ngôi chùa nơi bản xã và xây một giếng cổ (Sở Văn hóa thông tin tỉnh Hải Dương 1999: 207-208).
         Trải qua thời gian dài cùng những thay đổi về tự nhiên, khiến cho giếng có hiện tượng sụt lún. Do vậy vào tháng 2 năm 1995 giếng đã được tôn tạo lại. Sau khi tôn tạo, phần miệng giếng được nâng cao lên 0,40m bằng vữa xi măng.
 
Giếng chùa Lâm, huyện Tứ Kỳ (trước 1995) 
 
         Điều làm nên sự khác biệt của chiếc giếng chùa Lâm so với các giếng trong vùng chính là phần khẩu miệng giếng. Phần khẩu miệng giếng được tạo tác từ đá nguyên khối, chất liệu là đá xanh. Theo nghiên cứu ban đầu cho biết, tấm bia đá “Đông Dương tự bi” ở chùa Lâm được làm bằng đá xanh và do nhóm thợ đá ở vùng Kinh Môn tạo tác. Chiếc giếng cổ này chắc hẳn cũng là sản phẩm của hiệp thợ đá Kinh Môn.
         Toàn bộ phần khẩu miệng giếng trông giống như một miệng chiếc chum lớn. Phần dưới phình to, phần trên thu nhỏ lại rồi dựng đứng lên thành miệng giếng. Các số đo định lượng cho thấy, khẩu giếng có đường kính bên ngoài là 1,35m, miệng giếng cao 0,45m so với mặt bằng xung quanh. Kích thước đường kính bên trong miệng giếng là 0,84, miệng thành giếng dày 0,10m.
         Điều đặc biệt chú ý là, ở phần dưới của khẩu giếng, nơi có kích thước lớn nhất được chạm khắc bằng hình tượng những hoa văn hình cánh hoa sen. Có 2 lớp cánh sen được khắc chồng, xen kẽ nhau. Lớp dưới, ngoài cùng có 14 cánh sen, kích thước trung bình dài 26cm, rộng 20cm, xen kẽ giữa những cánh sen lớn là những cánh sen có kích thước nhỏ hơn.
         Bên trong lòng giếng, dưới khẩu giếng bằng đá, người xưa tiếp tục xếp vòng theo khuôn giếng bằng những viên đá xanh đến tận đáy giếng. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Hạt, trưởng thôn Phúc Lâm (năm 2021) cho biết, trong dịp giếng được tôn tạo vào tháng 2 năm 1995, ông là người trực tiếp bắc thang xuống tận đáy giếng để dọn rửa. Giếng sâu khoảng 4m, dưới đáy giếng có lớp cát và trên cát có một tấm gỗ dày (không rõ gỗ gì), ở giữa đục lỗ khá tròn khoảng hơn 20cm.Trải qua mấy trăm năm tồn tại, nước giếng luôn đầy, trong mát và không bao giờ cạn, kể cả mùa khô. Hiện nay, nước giếng vẫn được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt dùng trong các dịp lễ hội của chùa.
         Cho đến nay, những di tích giếng đá có niên đại thời Lê Trung Hưng còn lại khá ít trên miền Bắc. Đó là chiếc giếng đá ở Đền thờ tướng công Nguyễn Văn Nghi ở xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, hay như chiếc giếng đá ở Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đặc biệt chú ý hình tượng cánh sen to trên giếng chùa Lâm khá giống họa tiết cánh sen trên giếng đá niên đại Lê Trung Hưng phát hiện được ở khu vực Đoan Môn - Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long (Tống Trung Tín 2020: 465).
 
 
 
 Giếng thôn Ngọc Quyết, huyện Cẩm Giàng
 
         Ở khu vực trung tâm làng Ngọc Quyết, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng còn lưu giữ một chiếc giếng cổ. Khác với chiếc giếng chùa Lâm, khẩu miệng giếng Ngọc Quyết được làm bằng đất nung. Thoạt trông, khẩu giếng có hình dáng như cổ chiếc bình hình tròn lớn, được lắp ghép bằng 10 mảng đất nung có hình thang cân chụm lại vào giữa lòng giếng. Những mảng đất nung này có chức năng như những viên gạch lớn trên thân có những họa tiết hoa văn khác nhau. Khi xây ghép 10 mảng đất nung lại với nhau tạo thành một khẩu miệng giếng có phần thân cong khum đều từ trên xuống.
         Do trải qua thời gian dài, lại chịu sự hủy hoại của nắng mưa, một số mảng đất nung đã bị vỡ, các họa tiết hoa văn không còn sắc nét. Tuy vậy, qua khảo sát chúng tôi vẫn nhận thấy ở phần bề mặt rộng của mỗi mảng đất nung đều có in chìm hình lá sen lớn, đầu lá sen là hình xoắn mây cuộn hình tròn tiếp nối. Ở phía dưới hình lá sen có in nổi 2 hình ô van lớn, bên trong mỗi ô in nổi 1 con thú (con chồn, sóc?) trong tư thế rất động. Ở phần cổ miệng giếng cũng có in nổi một con thú (kỳ lân?) bên trong một khuôn hình ô van có viền nổi bao quanh.
         Khi nghiên cứu, so sánh về hình dáng, kích thước, đặc biệt là các họa tiết trang trí, chúng tôi cho rằng 10 mảng đất nung nói trên, đều được tạo ép trên một khuôn chung.
         Kích thước của giếng như sau: Đường kính bên ngoài của khẩu miệng giếng là 1,83m, chiều cao 0,40m, đường kính bên trong miệng giếng 0,90m.
        Quan sát ở bên trong lòng giếng cho thấy, phía dưới khẩu miệng giếng bằng gạch nung, người xưa tiếp tục quây lòng giếng bằng những những viên gạch mỏng và dài. Ở độ sâu khoảng 1,40m so với mặt giếng, có 11 chiếc cối đá được xếp vòng theo khuôn giếng, dưới những cối đá là những viên đá xanh được xếp đến tận đáy giếng (Hình 6).
Để xác định niên đại chiếc giếng, chúng tôi so sánh các họa tiết như lá sen, các con thú được in khắc nổi trên khẩu giếng với các họa tiết được chạm khắc trên đá, trên gỗ ở các công trình kiến trúc vùng đồng bằng Bắc Bộ và bước đầu kết luận, giếng Ngọc Quyết có niên đại thời Lê Trung Hưng, vào khoảng thế kỷ XVII.
         Niên đại này trùng hợp với lịch sử hình thành các làng xã ở xã Ngọc Liên như trong các văn chỉ đã ghi nhận ở đình Ngọc Quyết, đình Tiết Nghĩa…Đây là chiếc giếng cổ được làm bằng đất nung rất độc đáo và duy nhất tìm thấy đến nay tại vùng đồng bằng Bắc Bộ. Qua nghiên cứu tìm hiểu cho thấy, có thể những người thợ gốm vùng Chu Đậu (Nam Sách) hoặc vùng gốm Cậy (Bình Giang) đã chế tạo ra khẩu miệng giếng bằng đất nung, theo thể thức đặt hàng của người dân Ngọc Liên.
         Hiện chiếc giếng này đã được phục chế, trưng bày tại Bảo tàng Hải Dương.

                                                                                             Trình Năng Chung (Viện KCH)
                                                                                             Hoàng Thị Hương (BT. Hải Dương)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Sở Văn hóa thông tin tỉnh Hải Dương 1999. Hải Dương Di tích và danh thắng, tập I.
- Tống Trung Tín (Chủ biên) 2020. Văn hiến Thăng Long, bằng chứng Khảo cổ học. Nxb. Khoa học xã hội , Hà Nội.
Các tin mới hơn
KỲ CÔNG SƯU TẦM CHIẾC TI VI MƠ ƯỚC CỦA NHIỀU GIA ĐÌNH THỜI BAO CẤP (13/11/2023)
CÔNG TÁC SƯU TẦM TÀI LIỆU, HIỆN VẬT, HÌNH ẢNH PHỤC VỤ TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “NHỚ VỀ THỜI BAO CẤP”(13/11/2023)
BỨC THƯ ĐẶC BIỆT VÀ NHỮNG PHÁT LỘ KỲ DIỆU TỪ LÒNG ĐẤT(08/09/2023)
CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU SƯU TẦM HIỆN VẬT TRONG 5 NĂM (2018-2023) CỦA BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG(29/06/2023)
TỔNG KẾT CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU SƯU TẦM NĂM 2022, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2023(21/02/2023)
Các tin cũ hơn
CÂY CẦU ĐÁ CỔ Ở XÃ VĂN TỐ, HUYỆN TỨ KỲ, HẢI DƯƠNG(05/07/2022)
NHỮNG SỰ KIỆN BÁC HỒ VỚI HẢI DƯƠNG(24/06/2022)
TRAO TẶNG 24 CỐI ĐÁ CHO BẢO TÀNG TỈNH(04/06/2022)
TRAO TẶNG CÂY XANH VÀ BẢNG BIỂU CHO BẢO TÀNG TỈNH - HOẠT ĐỘNG Ý NGHĨA CHÀO ĐÓN SEGAME 31(17/05/2022)
NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ "XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI CỘNG TÁC VIÊN SƯU TẦM TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG"(28/04/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín