BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH

         Đình làng là một thiết chế, một trung tâm tín ngưỡng, văn hoá, văn nghệ, giáo dục truyền thống, duy trì những thuần phong mỹ tục của làng xã từ xưa đến nay, của cộng đồng người Kinh (Việt) nói chung và một bộ phận nhỏ dân tộc thiểu số nói riêng. Thiết chế văn hoá của người Việt được hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành kỷ cương, linh hồn và ngưỡng vọng của mỗi người dân.
         Theo quốc sử ghi chép lại, đình được ra đời muộn hơn so với đền, chùa, miếu mạo. Năm Tân Mão, niên hiệu Kiến Trung thứ 7 (1231) “Thượng hoàng Trần Thái Tông xuống chiếu rằng: trong nước hễ chỗ nào có đình trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ...". Như vậy, xưa kia ngôi đình được gọi là đình trạm, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Thượng hoàng khi còn hàn vi từng nghỉ ở đó...”, nơi dừng chân của những người đi đường (thượng chí vua, hạ chí dân) hoặc những quan quân triều đình truyền dụ, đưa tin từ kinh thành về địa phương dừng nghỉ. Đình có thời mang chức năng như một ngôi chùa, đôi khi như một hành cung của nhà vua. Khoảng từ thế kỷ XV, đình trở thành trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của làng xã người Việt. Đình là nơi giải quyết những vấn đề xã hội của làng xã, không những thế, đình còn là nơi hội họp, hoà giải những bất đồng trong nội bộ cộng đồng. Ba yếu tố trên thường xuyên diễn ra ở đình làng, không dễ gì tách bạch ra từng yếu tố. Chính vì vị thế của đình làng như vậy mà mọi thành viên trong làng đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ. Người ta giành cho đình làng cơ sở vật chất tốt nhất, những tài năng siêu việt nhất trong quá trình xây dựng, đồng thời cũng cung tiến cho đình những đồ tế tự quý báu nhất. Đến thời kỳ hậu Lê, khi chế độ phong kiến đặt thần quyền lên trên để cai trị đất nước, đình không còn chức năng thờ Phật hoặc trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của làng xã người Việt đơn thuần như trong những thế kỷ trước mà ngôi đình trở thành nơi thờ Thành hoàng. Thành hoàng có thể là Thiên thần, nhiên thần, nhân thần, những người có công với nước, với dân, cũng có thể là người có công đầu trong việc lập làng, hoặc khởi xướng một ngành nghề (tức các vị tổ nghề) nào đó. Đình cũng có thể thờ những anh hùng cái thế của dân tộc, từ vua chúa đến các chư hầu, lạc tướng, quan quân, các vị tổ các dòng họ có công lập làng và những người có nhiều công đức với làng với xã, đôi khi có nhân vật được tôn vinh làm Thành hoàng khi còn đang sống gọi là sinh phong. Dù là thiên thần hay nhân thần thì Thành hoàng làng vẫn biểu trưng cho thần quyền của cư dân của làng xã. Thành hoàng làng có thể có từ 1 đến 5 hoặc 7 vị, được thờ đều có thần tích hay thần phả ghi tiểu sử và các tiết lệ tế lễ hàng năm. Tiểu sử chủ yếu do Bộ Lễ biên soạn, lưu ở trung ương và có bản sao cho các nơi thờ phụng. Cộng đồng dân cư sinh sống trong làng đều phải thành kính trước những vị Thành hoàng được thờ phụng trong đình, việc kiêng kỵ, tránh các tên huý và thực hiện một số luật tục hoặc lệ làng đặt ra trong thời kỳ phong kiến rất hà khắc, nếu ai vi phạm thì sẽ bị làng xử nghiêm. Chính sự tôn nghiêm đó mà đình làng được xây dựng ở nơi trung tâm, trên thế đất cao ráo, thoáng đãng với quy mô bề thế nhất trong hệ thống cơ sở thiết chế văn hoá của làng xã. Đình thường được xây dựng ở vị trí trước chùa hoặc nhà thờ (tiền thần hậu phật) để xác định vị thế của thần quyền cũng như chính quyền ở làng xã trong mối quan hệ với các tôn giáo tín ngưỡng xưa.
 
 
 
 
 
Đình Huề Trì, An Phụ, Kinh Môn
 
 
         Đình làng là một biểu trưng tinh thần của làng xã Việt, ở đây lưu giữ tinh hoa văn hoá của nhân dân thuộc từng thời kỳ lịch sử, Thời kỳ hậu Lê và Nguyễn có lẽ là giai đoạn hưng thịnh nhất của ngôi đình, những ngôi đình uy nghi bề thế được dựng lên như: đình Huề Trì (xã An Phụ, thị xã Kinh Môn), đình Đồng Niên (phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương), đình Nhân Lý (thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách)...đây là những ngôi đình mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thời hậu Lê, mang đậm hồn cốt của người dân Việt Nam gửi vào trong đó. Có những ngôi đình rộng khoảng vài chục gian, cột cái và cột quân hai người ôm không hết, họa tiết trang trí trong những ngôi đình phổ biến theo các đề tài: tứ linh, tứ quý, long, ly, quy, phượng; tùng, cúc, trúc, mai; đặc biệt là hình ảnh về hoạt cảnh dân gian, những hình ảnh thân thuộc ở mỗi làng quê được đặc tả trong đó. Ngoài những đề tài kinh điển, mỗi người thợ còn tuỳ theo nhận thức và khả năng diễn tả của mình mà chạm khắc những hình ảnh lấy ra từ hiện thực cuộc sống đương thời. Cùng một đề tài, một chi tiết trang trí như nhau, mỗi hiệp thợ lại có cách thể hiện riêng, tạo nên sự phong phú và đa dạng. Tài năng của nghệ nhân kiến trúc cổ nói chung ở chỗ: biến các chi tiết, các thành phần kết cấu vốn thực dụng chuyển sang mang dáng vẻ hấp dẫn, giảm đi cảm giác nặng nề, thô phác, mà trở thành những tác phẩm nghệ thuật dân dã, hồn nhiên và ý nhị. Trong số đó cũng không thiếu tác phẩm đạt tới trình độ điển hình của từng thời đại.
 
 
 
Bức cốn chạm tứ linh tại đình Đồng Niên, Việt Hoà
 
 
         Kiến trúc nghệ thuật được coi là cái cốt thì thờ tự có lẽ được coi là phần hồn của ngôi đình, tính linh hay không chính là phần thờ tự. Việc bài trí thờ tự thường theo thể thống nhất, nơi linh thiêng nhất thường ở phần hậu cung. Đây là nơi đặt tượng hoặc ngai, bài vị của thành hoàng, tất cả đều ở trong một không gian khép kín. Hệ thống câu đối đại tự cũng như nội dung được khắc dựng trên đó gần như cho ta thấy được tính linh thiêng và công trạng của các vị Thành hoàng. Có lẽ vì thế mà hậu cung các đình thường có bức đại tự: "Thánh cung vạn tuế - Thánh thể muôn năm" dụ ý muốn nói đến sự cung kính trước vị Thánh trong ngôi đình của mình. Bài trí tại gian đại bái trong bất kỳ ngôi đình nào cũng có ban thờ công đồng nơi để người dân vào thắp hương tỏ lòng thành kính, đặc biệt là bên tả, bên hữu có hai pho tượng Quan văn, quan võ, thể hiện cho ý trí và nghị lực của mỗi chúng ta.
         Không gian cảnh quan cũng là một phần hết sức quan trọng đối với mỗi ngôi đình. Chính vì vậy trong khuôn viên của đình thường có: sân đình, giếng nước, hoặc bến sông và chợ làng. Sân đình ngoài chức năng tạo sự bề thế thì còn là nơi diễn ra lễ hội, những trò diễn dân gian cũng như những việc chung của cộng đồng. Phía trước mỗi ngôi đình ta thường thấy có một giếng nước, thuật phong thủy gọi là nơi "tụ phúc, tụ thủy". Cây cối trong đình thường tượng trưng cho sự sung mãn và trường tồn, nó thu hút chim muông bay tới, tượng trưng cho sự phồn thịnh của một vùng quê trù phú. Nước là một nguồn sống quan trọng của cư dân. Giếng (hồ) nước đặt ở nơi thiêng liêng sẽ được giữ gìn trong sạch hơn. Bến sông là đầu mối giao thông, một đặc điểm của vùng châu thổ, tạo nên mối giao lưu thuận tiện, đặc biệt là vào dịp lễ hội. Chợ làng, nhất là chợ chiều là một nơi không thể thiếu trong sinh hoạt của cư dân làng xã xưa. Cây đa, giếng nước, sân đình đã đi vào tâm khảm của biết bao thế hệ. Nó trở thành hoài niệm của những người con xa xứ. Nó nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước của cộng đồng người Việt. Những người xa quê dù một đời hay nhiều đời, khi trở về cố hương, đều có thể đến đình thắp hương, tưởng nhớ các bậc tiền bối, những người có công với dân với nước "sinh vi tướng, hóa vi thần" phù hộ cho mỗi chúng sinh được bình an vô sự. Dù chúng ta có đi đâu nhưng trong tâm trí của mỗi chúng ta đều tự hào về đình làng của mình cũng như quê hương, nơi chôn rau cắt rốn và nuôi ta lớn khôn./.
 
                                                ĐỖ ĐÌNH QUYẾT
                                                 Trưởng phòng Bảo tồn di tích
Các tin mới hơn
XÃ CẨM HOÀNG (HUYỆN CẨM GIÀNG) TỔ CHỨC LỄ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP TỈNH ĐÌNH PHÍ XÁ (19/04/2024)
KHẢO SÁT DI TÍCH XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA NĂM 2024(16/04/2024)
THÔNG BÁO DANH MỤC DI TÍCH XÂY DỰNG HỒ SƠ XẾP HẠNG NĂM 2023(30/06/2023)
KHẢO SÁT DI TÍCH ĐỀ NGHỊ XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA(09/05/2023)
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC MỞ RỘNG XÉT DUYỆT HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH NĂM 2022(12/12/2022)
Các tin cũ hơn
LÊ ĐẠI HÀNH VỚI VÙNG ĐẤT DƯỢC ĐẬU TRANG(25/04/2022)
LỄ HỘI ĐÌNH ĐỒNG NIÊN - NƠI LƯU GIỮ NÉT ĐẸP VĂN HÓA DÂN GIAN(25/04/2022)
TIẾN SĨ NGUYỄN CUNG: VỊ QUAN THANH LIÊM VÀ TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ SỰ HIẾU HỌC (20/04/2022)
HỘI NGHỊ KHOANH VÙNG MỞ RỘNG DI TÍCH ĐÌNH CHÙA CHÂU KHÊ (09/04/2022)
VỀ THĂM NGÔI ĐÌNH THỜ VỊ TƯỚNG THỜI HÙNG VƯƠNG(07/04/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín