BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
TRƯNG BÀY CỐ ĐỊNH

Bảo tàng tỉnh Hải Dương không chỉ lưu giữ, bảo quản các giá trị lịch sử của quê hương mà còn góp phần tích cực trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho các thế hệ. Mỗi hiện vật, hình ảnh được lưu giữ tại Bảo tàng đều mang trong mình nội dung lịch sử cụ thể, trong đó có không ít hiện vật gây cảm xúc mạnh, ấn tượng cho người xem.

Tại không gian trưng bày tài liệu, hiện vật thời kỳ chống thực dân Pháp, nằm trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng tỉnh có một hiện vật nhỏ bé, giản dị gắn liền với đời sống sinh hoạt một thời của người nông dân - Đó là chiếc đấu. Ngoài công dụng được sử dụng để đong thóc, đong gạo thì chiếc đấu này còn được sử dụng làm vũ khí trong trận đánh tại chợ Thọ Chương, xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện.

Ngược dòng lịch sử trở về với huyện Thanh Miện những năm kháng chiến chống thực dân Pháp - Một vùng quê thuần nông, lam lũ đói nghèo song người dân nơi đây lại giàu lòng yêu nước, dũng cảm chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Giai đoạn từ năm 1950 - 1954 thực dân Pháp âm mưu “Dùng người Việt trị người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, để biến khu tự do của tỉnh Hải Dương thành vùng chiếm đóng. Tại Thanh Miện, Pháp đã xây dựng nhiều đồn bốt, tổ chức các đợt càn quét, bắn phá các làng, lùng bắt cán bộ, du kích ...với mục đích phá cơ sở kháng chiến, gây hoang mang trong nhân dân, đồng thời khích lệ bọn phản động trong vùng. Nắm rõ được âm mưu, thủ đoạn của địch, huyện đã củng cố lại làng chiến đấu, đào thêm hầm hào, xây dựng phương án tác chiến.

Đầu năm 1953 tỉnh Hải Dương phát động phong trào “Nữ du kích tỉnh Đông”. Hưởng ứng phong trào này, cuối tháng 2/1953 Huyện ủy Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Thanh Miện đã chỉ đạo tập trung 24 nữ đội viên du kích các xã: Lam Sơn, Hồng Quang, Thanh Tùng, Phạm Kha, Lê Hồng lập thành đội nữ du kích đầu tiên của huyện, gọi là “Đội du kích Thành Đông”. Chị em được huấn luyện về phương pháp trinh sát và đánh địch. Nhiệm vụ đầu tiên đội nữ du kích Thành Đông được giao là trận đánh địch tại chợ Thọ Chương, xã Lam Sơn vào ngày 1/3/1953.

Lam Sơn là huyện lỵ, không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của huyện Thanh Miện lúc đó, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng của cả vùng. Tại đây, Pháp đã cho xây dựng một đồn binh để bảo vệ khu vực chiếm đóng. Chợ Thọ Chương nằm ở phía đông bắc thôn Thọ Chương thuộc xã Lam Sơn. Đây là một trong ba chợ lớn của huyện, chợ họp hàng ngày, buôn bán đủ các hàng hóa của một chợ vùng quê. Hàng ngày, chợ Chương có từ 10 - 20 tên lính vào chợ để kiểm soát và quấy nhiễu nhân dân. Nhằm tiêu diệt bọn lính này, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ và hướng dẫn của Ban chỉ huy huyện đội Thanh Miện, các nữ du kích đã trinh sát nhiều lần và quyết định đánh địch giữa ban ngày, giả làm người đi chợ trà trộn, đột nhập vào chợ Chương lúc chợ đông. Đúng 7h ngày 1/3/1953 các lực lượng đã tập kết đầy đủ tại ấp Lam Sơn. Khoảng 9h sáng, sau khi tất cả đã sẵn sàng, 1 đồng chí “ngả nón trên đầu” ra hiệu lệnh tấn công. Ngay lập tức, các nữ du kích dùng đấu đong gạo, đòn gánh đồng loạt tấn công. Đòn gánh được dùng để phang vào địch, đấu đong gạo dùng để ghè vào đầu. Toàn chợ chỗ này đòn gánh, chỗ kia đấu đong gạo đánh dồn dập. Trận đánh diễn ra trong vòng 5 phút rất nhanh, mạnh mẽ, táo bạo và gọn gàng.

Kết quả trong trận đánh này, ta đã giết chết 3 tên địch, bị thương 1 số tên, thu 7 khẩu súng trường và tiểu liên, bảo tồn được lực lượng và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Trận đánh đã được Đài tiếng nói Việt Nam, báo chí của ta đưa tin và biểu dương về chiến công của các nữ du kích huyện Thanh Miện.

Sau trận đánh này, thừa thắng xông lên phong trào nữ du kích đánh địch nhanh chóng phát triển ở khắp nơi trong huyện và trở thành phong trào thi đua giết giặc lập công sôi nổi. Nhiều trận đánh tại chợ Thọ Chương liên tục được diễn ra và thu được thắng lợi.

Chiếc đấu đong gạo đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là vũ khí chị Bùi Thị Nhân - du kích xã Lam Sơn cùng“Đội du kích Thành Đông” đã dùng đánh địch tại chợ Thọ Chương diễn ra vào tháng 7/1953. Trong trận đánh này, chị em du kích đã dùng đấu và đòn gánh đánh chết 7 tên địch, làm bị thương 11 tên. Chiếc đấu đong gạo đã được cán bộ Bảo tàng tỉnh sưu tầm vào tháng 4/1966. Đấu được làm bằng gỗ, có đường kính miệng là 16cm, đường kính đáy 9,5cm, chiều cao là 7,5 cm và còn tương đối nguyên vẹn.

Chỉ bằng những chiếc đòn gánh, đấu đong gạo thô sơ nhưng với ý chí kiên cường, bản lĩnh dũng cảm, sự linh hoạt, sắc sảo… những người phụ nữ ở tuổi mười tám, đôi mươi đã làm nên trận đánh khiến quân giặc phải khiếp sợ, góp phần viết tiếp truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của Nữ du kích Thành Đông.

 
                                                  LÊ THỊ THỦY NGỌC
                                                       Phòng Trưng bày 
Các tin mới hơn
ĐOÀN CÁN BỘ, CHIẾN SỸ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH THAM QUAN BẢO TÀNG(23/03/2023)
MẢNH XÁC MÁY BAY MỸ F8U TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG(15/11/2022)
ĐOÀN CÁN BỘ VIỆN NGHIÊN CỨU KINH THÀNH LÀM VIỆC TẠI BẢO TÀNG HẢI DƯƠNG (21/09/2022)
CÔNG TÁC PHỐI HỢP BẢO QUẢN TRỊ LIỆU NHÓM HIỆN VẬT CHẤT LIỆU KIM LOẠI TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG (30/08/2022)
XÂY DỰNG CÁC CLIP NGẮN GIÚP BẢO TÀNG ĐẾN GẦN HƠN VỚI KHÁCH THAM QUAN(04/04/2022)
Các tin cũ hơn
CÓ MỘT "KHÔNG GIAN BẾP VIỆT XƯA" TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG(16/09/2021)
ĐỂ BẢO TÀNG TRỞ THÀNH ĐIỂM ẤN TƯỢNG TRONG LÒNG DU KHÁCH(16/08/2021)
MÁY BAY MIG-21 - HIỆN VẬT ĐỘC ĐÁO TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG(07/07/2021)
KHÔNG GIAN BẾP VIỆT XƯA - GỢI NHỚ KÝ ỨC MỘT THỜI(06/07/2021)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín