BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH

            Tiến sĩ Vũ Khâm Lân là nhà khoa bảng tài, đức vẹn toàn, có nhiều công lao với nước, với dân, được triều đình phong kiến nhà Lê ban tặng nhiều sắc phong.
            Vũ Khâm Lân hiệu là Di Trai, quê xã Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ, nay là thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương. Ông sinh năm Quý Mùi (1703), trước có tên là Vũ Khâm Thận, sau đổi là Vũ Khâm Lân. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng từ nhỏ Vũ Khâm Lân sớm có tư chất thông minh hơn người, cố công học tập đến thành đạt vẻ vang, tại khoa thi năm Đinh Mùi, niên hiệu Bảo Thái 8 (1727), đời vua Lê Dụ Tông, Vũ Khâm Lân đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, năm 25 tuổi. Kể từ đó, Vũ Khâm Lân bước vào chốn quan trường, giữ chức quan Cấp sự trung, làm việc ở các Khoa (là cơ quan trực thuộc Bộ, mỗi Bộ có một khoa mang tên của Bộ mình như Lễ Khoa, Bộ Khoa, Hình Khoa...), hàm Tòng lục phẩm, sau đó được điều chuyển Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam (1734).
            Một thời gian sau, diễn biến chính trị - xã hội Đàng Ngoài vô cùng phức tạp, rối ren, dẫn đến các cuộc nổi dậy của nông dân bùng nổ mạnh mẽ và rộng khắp, mở đầu là cuộc nổi dậy của Nguyễn Dương Hưng ở Thái Nguyên, Sơn Tây năm 1737. Tiếp đó, trong 2 năm (1739 - 1740) liên tục nổ ra các cuộc nổi dậy của nông dân, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh ở Hải Dương; Hoàng Công Chất, Vũ Đình Dung ở Sơn Nam; thủ lĩnh Tế, Bồng và Nguyễn Danh Phương ở Sơn Tây,... Trong khi đó, một lực lượng nổi dậy khác do nhóm quý tộc nhà Lê, đứng đầu là Lê Duy Mật cũng nổi dậy ở miền núi Thanh Hoá, Ninh Bình hay cuộc nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu ở xứ Đông khiến triều đình Lê - Trịnh phải điều quân đánh dẹp khá vất vả. Từ năm 1739, để đối phó với phong trào nổi dậy của nhân dân diễn ra ở nhiều địa phương Đàng Ngoài, triều đình Lê - Trịnh đã điều động phần lớn quan lại (kể cả các bậc đại khoa) và quân lính tham gia trấn áp. Cũng trong thời gian này, Vũ Khâm Lân được bổ nhiệm, thuyên chuyển, điều động kiêm giữ nhiều chức vụ hoặc làm các công việc có liên quan đến việc quân như Hiệp đồng (năm 1741), Tán lý (năm 1743) giúp việc cho quan Tổng binh khi có việc phải dụng binh. Năm 1746, Vũ Khâm Lân được thăng chức Hữu Thị lang Bộ Lại, ban tước Hầu. Đây là Bộ rất quan trọng trong Lục bộ triều đình bấy giờ, chuyên lo việc chính sự thăng giáng về văn quan trong kinh, ngoài trấn; chỉnh đốn phương pháp làm quan để giúp việc chính sự trong nước. Đứng đầu mỗi bộ có chức Thượng thư và chức phó của Thượng thư là Tả, Hữu Thị lang (hàm Tòng tam phẩm). Cũng trong năm này, Vũ Khâm Lân được thăng làm Tham tụng ở Phủ đường (phủ chúa Trịnh).
            Ở triều, ông dự bàn chính sự, ra ngoài giữ việc binh cơ, lập không ít công lao, được cử đi sứ nhà Thanh, do hoàn thành sứ mệnh được giao, năm 1756, được thăng chức Bồi tụng Đô ngự sử (chức quan đứng đầu Ngự sử đài), tước Quận công (sau Quốc công nhưng cao hơn các tước vị khác như Hầu, Bá, Tử và Nam).
            Đương thời, Vũ Khâm Lân có tiếng là người hào hiệp, khẳng khái, không câu thúc, gặp việc dám nói, dám làm, không a dua kẻ quyền quý, bị những người giữ chức vụ thời bấy giờ ganh ghét. Có thời gian ông đang giữ chức Hữu Thị lang Bộ Lại thì bị giáng, mãi sau mới được thăng chức nói trên. Bên cạnh đó, ông còn có tiếng về tài văn chương. Ông là người đã góp thêm nhiều truyện mới vào quyển Lĩnh Nam chích quái, soạn và cho khắc bia bài Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Công Văn Đạt phổ ký nói về cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm (để dựng ở đền thờ vị danh sĩ này), viết bài khen Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ...
            Vũ khâm Lân mất ngày 20 tháng 8 (âm lịch), không rõ năm. Ông có để lại tập Phủ sát ký mật. Triều đình truy tặng ông chức Thượng thư Bộ Binh (chức quan đứng đầu Bộ Binh), ban tên thụy là Mẫn Đạt, hiệu là Di Trai. Con ông là Vũ Cơ ((1736 - ?) cũng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng 24 (1763), làm quan tới chức Hàn lâm viện hiệu lý, trấn thủ Lạng Sơn.
            Theo các cụ cao niên trong dòng họ cho biết, tại cánh đồng làng Ngọc Lặc xưa có một một gò đất cao giáp với đầu làng Mỗ Đoạn (nay thuộc xã Đại Sơn, huyện Tứ Kỳ) gọi là đống Quan Lặc. Vì sao gọi là đống Quan Lặc thì không ai biết rõ, chỉ tương truyền rằng đây là nơi an táng của một vị Quan, nên được gọi là đống Quan, còn Lặc là cách gọi ghép tên làng. Năm 1953, thực dân Pháp đóng bốt Bỉnh Di, đống Quan Lặc cách bốt khoảng 50m. Để thuận tiện cho việc quan sát và tránh bị Việt Minh ẩn nấp tấn công, quân giặc đã san phẳng khu vực đống Quan Lặc. Vào năm 1987, gia đình bà Thao ở thôn Mỗ Đoạn (cách khu vực đống Quan Lặc xưa khoảng 200m) đào ao. Trong quá trình thuê thợ lái máy súc thi công đã đào thấy một số mảnh quan tài, một phần thi hài và một số đồ tùy tùng kèm theo (chỉ còn mảnh vỡ) cùng một tấm bia đá. Sau khi nhờ người dịch biết là của Tiến sĩ Vũ Khâm Lân, gia đình bà Thao đã liên hệ với ông trưởng tộc dòng họ Vũ ở làng Ngọc Lặc. Đại diện dòng họ đã xin chuyển toàn bộ phần mộ về an táng cùng khu vực lăng cụ thượng tổ dòng họ Vũ tại nghĩa trang của thôn (cách nhà thờ khoảng 600 m về hướng đông bắc). Tấm bia đá dựng ốp vào tường trên phần mộ. Bia có kích thước: 45 x 31 cm, hình dẹt, đỉnh bằng, trán và diềm xung quanh trơn, khoảng 70 chữ (một số chữ đã bị mờ), có nội dung: “Triều Lê, Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1727) - Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập thị tham tòng phụng Chánh sứ ngự sử, Đài đô ngự sử, kiêm Tả chánh ngôn Quốc sử Tổng tài Ôn Quận công, được phong tặng làm Binh bộ Thượng thư, ban tên Thụy là Mẫn Đạt Vũ Tướng quốc, hiệu Di Trai tiên sinh; mộ táng tại Quan Sơn, xã Bỉnh Di ...”. Năm 2001, khu lăng mộ được con cháu trong dòng họ tôn tạo lại khang trang.
           Do có nhiều công lao với nước, với dân, Tiến sĩ Vũ Khâm Lân được triều đình phong kiến nhà Lê ban tặng nhiều sắc phong vào các năm: Long Đức 3 (1734), Cảnh Hưng 7 (1746), Cảnh Hưng 17 (1756) và Cảnh Hưng 19 (1758).
            Trong lịch sử khoa cử Nho học của xứ Đông xưa, nhà khoa bảng Vũ Khâm Lân xứng đáng là một vị quan thanh liêm, giỏi cả văn lẫn võ. Ngày nay, trên quê hương Ngọc Lặc vẫn còn nhà thờ tự của ông với lối kiến trúc gỗ độc đáo, bia ký, đại tự, câu đối và nhiều đồ thờ tự cổ có giá trị đặc biệt là 19 đạo sắc phong. Trong số các sắc phong này, ngoài sắc phong cho Tiến sĩ Vũ Khâm Lân còn sắc phong cho những nhân vật có liên quan đến Tiến sĩ như Vũ Đình Hiệp (ông nội); Nguyễn Thị Tháp (bà nội); Vũ Lượng Công (thân phụ); Đoàn Thị Liêu (thân mẫu); Đặng Thị Trị (chánh phu nhân); Nguyễn Thị Bính (kế phu nhân) và Vũ Cơ (con trai). Đây là những tư liệu khoa học quí giá khi tìm hiểu về Tiến sĩ Vũ Khâm Lân cũng như những nhân vật có liên quan đến vị Tiến sĩ mà tên tuổi, sự nghiệp của ông đã được sử sách lưu truyền, nhân dân ngưỡng mộ, dòng họ được vang danh.
 
 
 
Sắc phong cho tiến sĩ Vũ Khâm Lân ngày 6 tháng 10 năm Cảnh Hưng 7 (1746) 
 
            Hằng năm, cứ vào ngày 20 tháng 8 (âl), tại nhà thờ con cháu trong dòng họ lại tổ chức cúng giỗ tưởng nhớ tới công ơn tiền nhân và không ngừng phấn đấu noi gương ông, góp phần rạng danh tiên tổ.
 
                                                                                 ĐẶNG THU THƠM 
                                                                                  Phòng Bảo tồn Di tích 
Các tin mới hơn
XÃ CẨM HOÀNG (HUYỆN CẨM GIÀNG) TỔ CHỨC LỄ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP TỈNH ĐÌNH PHÍ XÁ (19/04/2024)
KHẢO SÁT DI TÍCH XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA NĂM 2024(16/04/2024)
THÔNG BÁO DANH MỤC DI TÍCH XÂY DỰNG HỒ SƠ XẾP HẠNG NĂM 2023(30/06/2023)
KHẢO SÁT DI TÍCH ĐỀ NGHỊ XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA(09/05/2023)
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC MỞ RỘNG XÉT DUYỆT HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH NĂM 2022(12/12/2022)
Các tin cũ hơn
NGÔI CHÙA CÓ SƯ THẦY LÀ LIỆT SĨ(07/02/2022)
VỊ QUAN THANH LIÊM VÀ TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ SỰ HIẾU HỌC (16/12/2021)
HAI NGÔI ĐÌNH LỊCH SỬ THỜ TƯỚNG QUÂN ĐINH ĐIỀN(26/11/2021)
NGÔI ĐÌNH THỜ HAI VỊ THÀNH HOÀNG CÓ CÔNG GIÚP TRIỆU QUANG PHỤC ĐÁNH GIẶC LƯƠNG(26/11/2021)
NGÔI ĐÌNH THỜ HOÀNG TỬ TRIỀU LÝ(26/11/2021)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín