BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH

            Hải Dương là vùng đất hiếu học và khoa bảng. Truyền thống hiếu học và khoa bảng của Hải Dương được khẳng định suốt từ những năm cuối của thế kỷ XI đến những năm đầu của thế kỷ XX. Theo sách: “Tiến sĩ Nho học Hải Dương (1075 - 1919)” do Hội đồng chỉ đạo biên soạn địa chí tỉnh Hải Dương xuất bản năm 1999, thì số tiến sĩ nho học của tỉnh Hải Dương (cũ) có 637 người, đứng đầu cả nước. Trong số đó có 4 người đỗ vào thời Lý, 22 người đỗ vào thời Trần, 1 người đỗ vào thời Hồ, 289 người đỗ vào thời Lê sơ, 163 người đỗ vào thời Mạc, 137 người đỗ vào thời Lê Trung Hưng và 21 người đỗ vào thời Nguyễn. Sau khi đỗ đạt, có nhiều tiến sĩ lại được thăng đến những chức quan đầu triều, tuy giữ cương vị lớn nhưng không vì danh lợi mà tham nhũng, hà khắc với dân, trái lại luôn giữ lòng nhân ái, thanh liêm, hết lòng xây dựng đất nước, quê hương, phát triển sự nghiệp giáo dục được triều đình coi trọng và nhân dân cảm phục, khi mất được phong làm phúc thần thờ làm Thành hoàng của làng. Nguyễn Cung (1552 - 1634) là một vị tiến sĩ như vậy.
         Nguyễn Cung tự là Xuân Hồng, tên hiệu là Thuỵ Trai tiên sinh, sinh năm Nhâm Tý (1552), người xã Hà Liễu, huyện Chí Linh (nay là thôn Lê Hà, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách). Từ nhỏ, Nguyễn Cung đã chuyên cần học tập, tuy nhiên mãi đến năm 51 tuổi, ông mới thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Nhâm Dần, niên hiệu Hoằng Định năm thứ 3 (1602), đời Lê Kính Tông. Trong sự nghiệp quan trường của mình, Nguyễn Cung đã trải qua khá nhiều chức vụ từ Tổng đốc xứ Sơn Nam đến Thừa chính sứ, tước tử. Ông là viên quan đa tài, mẫu mực nên vua Lê rất tin dùng, giao cho nhiều trọng trách của đất nước. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin Hà Nội, năm 2009: “Năm Canh Thân Vĩnh Tộ 2 (1620), Nguyễn Cung làm chánh sứ cùng phó sứ là Bùi Văn Bưu, Ngô Nhân Triệt, Nguyễn Khuê và Nguyễn Tuấn sang nước Minh dâng lễ cống thực hiện các mối quan hệ bang giao giữa hai nước”, khi hoàn thành sứ mệnh trở về được thăng chức Công bộ Thượng thư, tước Tử, Tả thị lang. Năm Bình Dần (1626), Nguyễn Cung lại được phong chức Lễ bộ Thượng thư, Hữu thị lang, Nhập nội Hành khiển.
         Nguyễn Cung tuy làm quan với chức cao vọng trọng nhưng ông luôn sống giản dị, khoan dung, làm tròn chức phận, một lòng phò vua, chăm lo công việc, hết lòng yêu thương, gần gũi dân, nêu gương sáng về sự kiên trì và hiếu học cho con cháu đời sau noi theo. Đối với quê hương Hà Liễu, ông thường xuyên chiêu dân, lập ấp mở mang đồng ruộng, phát triển sản xuất, nhân dân được sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, ông còn khuyên bảo con cháu trong làng chú tâm học tập, nâng cao trí tuệ, tiến thân bằng con đường khoa cử và tặng 16 mẫu lộc điền để dân làng làm quỹ khuyến học, khuyến tài. Cứ ai đỗ Cử nhân thì thưởng một mẫu, đỗ Tú tài thưởng 5 sào, đỗ Khoá sinh thưởng 2 sào.
         Năm Giáp Tuất (1634), Nguyễn Cung lâm bệnh và mất, theo nguyện vọng của họ tộc và dân làng, triều đình cho phép để thi hài ông mai táng ở quê nhà Hà Liễu trên đống Con Cá. Từ đó đến nay đã trải qua hơn 300 năm, phần mộ của ông vẫn được con cháu trong dòng họ và dân làng gìn giữ, hương khói.
         Tài năng, đức độ của Nguyễn Cung được thể hiện qua tấm biển với bốn chữ: “Hà Hải Tú Chung”, nghĩa là “Làng Hà Liễu, trấn Hải Dương có một tiếng chuông đẹp” mà vua Lê Thần Tông đã phong cho ông vào năm Canh Thìn (1640) và sai dân địa phương lập đình thờ theo điển lệ Nhà nước, tước vị “Trung đẳng phúc thần”. Các đời vua về sau đều ban sắc phong tặng. Ngày nay, đình thờ ông đã được tôn tạo khang trang, tố hảo, kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi, bốn góc đao cong đắp nổi rồng chầu, tọa lạc trên khuôn viên rộng 530m2, được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2006.
 
 
 
 
Đình Hà Liễu - nơi thờ tiến sĩ Nguyễn Cung
 
         Hiện nay, đình Hà Liễu đã có Ban quản lý di tích. Ban quản lý làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích, tuyên truyền về lịch sử Thành hoàng Nguyễn Cung tới con em trong thôn, xã và tổ chức lễ hội truyền thống trang trọng vào ngày 12 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, kỷ niệm ngày Nguyễn Cung vinh quy bái tổ để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của ông, một công thần - một vị đại khoa thời Lê đã được ghi vào sử sách, danh bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội) góp phần làm rạng rỡ trang sử truyền thống của đất học xứ Đông.
 
                                                    ĐẶNG THU THƠM
                                                   Phòng Bảo tồn di tích





Các tin mới hơn
XÃ CẨM HOÀNG (HUYỆN CẨM GIÀNG) TỔ CHỨC LỄ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP TỈNH ĐÌNH PHÍ XÁ (19/04/2024)
KHẢO SÁT DI TÍCH XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA NĂM 2024(16/04/2024)
THÔNG BÁO DANH MỤC DI TÍCH XÂY DỰNG HỒ SƠ XẾP HẠNG NĂM 2023(30/06/2023)
KHẢO SÁT DI TÍCH ĐỀ NGHỊ XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA(09/05/2023)
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC MỞ RỘNG XÉT DUYỆT HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH NĂM 2022(12/12/2022)
Các tin cũ hơn
HỘI NGHỊ KHOANH VÙNG MỞ RỘNG DI TÍCH ĐÌNH CHÙA CHÂU KHÊ (09/04/2022)
VỀ THĂM NGÔI ĐÌNH THỜ VỊ TƯỚNG THỜI HÙNG VƯƠNG(07/04/2022)
LỄ GIỖ TỔ THẬP NHỊ GIA TIÊN - NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG LỄ HỘI ĐỀN CAO (CHÍ LINH)(30/03/2022)
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI DU LỊCH TÂM LINH TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG CỔ THÀNH, THÀNH PHỐ CHÍ LINH, TỈNH HẢI DƯƠNG(28/03/2022)
KHẢO SÁT THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP LÃNH BINH PHẠM XUÂN QUANG(25/03/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín