BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH

         Di tích quốc gia đình Đồng Niên, phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương không chỉ có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cổ kính mà còn bảo lưu được lễ hội truyền thống đặc sắc từ bao đời nay.
        Theo Thần tích - thần sắc làng Đồng Niên, tổng Đan Tràng, huyện Cẩm Giàng hiện lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội, đình Đồng Niên thờ 3 vị Thành hoàng là anh em: Trần Phú, Trần Thị Phương và Trần Mỹ, có công giúp vua đánh giặc Lương thời tiền Lý (544-602).
 

Lễ tế các vị Thành hoàng tại đình Đồng Niên (năm 2022)
 
         Để tưởng nhớ công lao của các vị Thành hoàng, hàng năm, từ ngày mồng 8 đến 12 tháng 3 (âm lịch), nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội truyền thống.
        Các cụ cao niên cho biết, trước Cách mạng tháng 8/1945, lễ hội đình Đồng Niên là lễ hội có quy mô lớn trong vùng và được tổ chức rất trọng thể. Để chuẩn bị cho lễ hội, khi vừa kết thúc lễ hội của năm trước, Hội đồng lương lý của làng đã họp bàn, phân công công việc từ việc nhận cấy lúa, nuôi lợn, bò làm cỗ tế đến việc khiêng kiệu, thuê phường bát âm,... Làng Đồng Niên xưa có 1 mẫu 8 sào ruộng thần từ, mỗi năm giao cho 3 ông đám trong các giáp cày cấy lấy hoa lợi sắm sửa lễ vật tế Thánh.
         Vào ngày mồng 8/3: dân làng tổ chức rước nước từ sông Thái Bình về cúng trong lễ hội. Trước khi bao sái tượng, đồ thờ tự là lễ tế tập ngơi (còn gọi tế cáo yết) mở cửa đình để xin phép Thành hoàng mở hội. Lễ vật gồm xôi, gà, xỏ lợn. Sau nghi thức tắm tượng là lễ mặc áo cho các đức Thánh. Thường áo Thánh được giặt sạch sẽ, cất giữ trong hòm tại hậu cung, đến dịp lễ hội mới đem mặc cho các Ngài.
         Ngày mồng 9/3: Dân làng tổ chức tế khai hội. Lễ vật gồm xôi, gà, thủ lợn, trầu cau, rượu, hoa quả, bánh kẹo. Nghi thức tế đủ 3 tuần hương, rượu, trà do các cụ có chức sắc trong làng thực hiện.
         Ngoài đình, làng Đồng Niên còn có 3 ngôi miếu thờ riêng 3 vị Thành hoàng. Trong đó, miếu Nam Cung thờ Đức thánh Cả (Trần Phú); Đông Cung thờ Đức Thánh Hai (Trần Thị Phương), Tây Cung (miếu Đột) thờ Đức Thánh Ba (Trần Mỹ). Sau khi tế ở đình xong, 3 ông đám mang lễ vật (xôi, gà, rượu) ra các miếu mời các vị về ngự tại đình dự lễ hội.
        Ngày mồng 10/3: là ngày chính hội kỷ niệm ngày sinh của các vị Thành hoàng làng. Buổi sáng, dân làng tổ chức rước kiệu (tượng trưng cho các vị Thành hoàng) từ đình ra xung quang làng, sau đó đến các miếu rồi trở về đình. Tham gia rước kiệu là những thanh niên, trai tráng trong làng khỏe mạnh. Đi đầu đoàn rước là đội kỳ lân, rồi đến đội cờ thần, trống, chiêng, bát bửu. Kế tiếp là 3 kiệu của 3 vị Thành hoàng Đức Thánh Cả, Đức Thánh Hai và Đức Thánh Ba. Sau kiệu là đội tế nam, dân làng và du khách phập phương. Đoàn rước đi trong tiếng trống, chiêng rộn ràng nhưng không kém phần trang nghiêm, thành kính. Chiều cùng ngày, làng tiến hành tế kỳ phúc.
         Đội tế hơn 20 người được lựa chọn kỹ càng, khắt khe, là những cụ ông có sức khỏe, uy tín, gia đình song toàn. Trang phục của các ông quan viên tế phải chỉnh tề, đúng nghi thức. Ông Mạnh bái (Chủ tế) mặc áo thụng đỏ, đầu đội mũ bình thiên, chân đi hia; các ông Đông xướng, Tây xướng mặc áo thụng xanh có hoa văn chấm tròn to, đầu đội mũ bình thiên; ông Bồi tế và các quan viên tế mặc áo thụng xanh, đội mũ bình thiên. Người tế và dự tế phải không có tang trở. Chủ tế là người có phẩm tước cao trong làng thường là Lý trưởng hoặc Phó lý. Nghi thức tế theo trình tự tuần hương, tuần rượu, ẩm phước, đến đọc chúc, hóa chúc. Bản chúc văn soạn thảo nêu rõ năm tháng, nội dung, tên và công trạng của các vị Thành hoàng để các Ngài ban phúc lành cho bách gia trăm họ.
        Lễ vật dâng Thánh gồm bò, lợn, xôi, gà, các loại bánh đường, hoa quả, rượu, trầu cau. Theo quy định của làng, lợn tế được nuôi cẩn thận, ăn uống sạch sẽ, béo tốt, không bệnh tật, còn bò có thể tìm mua trong vùng nhưng đảm bảo khoang khoáy đẹp, dáng cân đối, lông vàng bóng mượt. Khi tế, bò để sống nguyên con, trên lưng phủ vải đỏ, lợn luộc đặt trên hương án theo tư thế nằm chầu vào trong đình. Tục tế sống bò là nét độc đáo trong lễ hội đình Đồng Niên. Theo quan niệm của người dân nơi đây, con trâu, con bò hiền lành, mạnh khỏe và gần gũi với người nông dân nhất. Hiến tế bò là cầu mong các vị Thánh phù hộ độ trì cho con người chống chọi với thiên tai và dịch bệnh. Tế xong, bò được đem đi làm thịt, chia phần cho các suất đinh trong làng.
        Ngày 11/3: dân làng và du khách thập phương tiến lễ vào đình, cầu mong các Ngài phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu.
         Ngày 12/3: tổ chức tế giã đám, đóng cửa đình, kết thúc lễ hội. Lễ vật gồm 6 con lợn của 6 ông trưởng giáp, xôi, rượu, oản, hoa quả... và các lễ phẩm khác. Sau khi tế xong, Ban tổ chức cử người dọn dẹp, cất kiệu long đình. Trang phục mũ, áo tế, rước được các quan viên mang về nhà giặt sạch để dùng cho lễ hội năm sau.
         Ngoài phần lễ, phần hội cũng được diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian đi cầu thùm, bắt vịt, kéo co, bịt mắt bắt dê, cờ người, võ gậy... thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Buổi tối có hát chèo, trống quân, hát ả đào...
         Sau Cách mạng tháng 8/1945, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đời sống của nhân dân Việt Nam nói chung và Đồng Niên nói riêng gặp muôn vàn khó khăn nên lễ hội không được tổ chức. Thời gian này đình Đồng Niên là địa điểm hoạt động cách mạng và mở lớp bình dân học vụ cho con em trong làng.
        Hiện nay, lễ hội đình Đồng Niên diễn ra trong 3 ngày, từ mồng 8-10/3 âm lịch. Các hình thức trong lễ hội được tổ chức gọn lại và đơn giản hơn trước. Tuy nhiên, nghi thức tế, rước vẫn bảo lưu được các nét đẹp xưa tạo cho lễ hội đình Đồng Niên thêm trang nghiêm, linh thiêng bên cạnh những nét hiện đại của xã hội ngày nay. Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp nên lễ hội đình chỉ diễn ra phần tế lễ, phần hội không tổ chức để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
                                      NGUYỄN THỊ HƯƠNG THỦY
                                Phòng Nghiên cứu Lịch sử địa phương
Các tin mới hơn
XÃ CẨM HOÀNG (HUYỆN CẨM GIÀNG) TỔ CHỨC LỄ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP TỈNH ĐÌNH PHÍ XÁ (19/04/2024)
KHẢO SÁT DI TÍCH XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA NĂM 2024(16/04/2024)
THÔNG BÁO DANH MỤC DI TÍCH XÂY DỰNG HỒ SƠ XẾP HẠNG NĂM 2023(30/06/2023)
KHẢO SÁT DI TÍCH ĐỀ NGHỊ XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA(09/05/2023)
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC MỞ RỘNG XÉT DUYỆT HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH NĂM 2022(12/12/2022)
Các tin cũ hơn
TIẾN SĨ NGUYỄN CUNG: VỊ QUAN THANH LIÊM VÀ TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ SỰ HIẾU HỌC (20/04/2022)
HỘI NGHỊ KHOANH VÙNG MỞ RỘNG DI TÍCH ĐÌNH CHÙA CHÂU KHÊ (09/04/2022)
VỀ THĂM NGÔI ĐÌNH THỜ VỊ TƯỚNG THỜI HÙNG VƯƠNG(07/04/2022)
LỄ GIỖ TỔ THẬP NHỊ GIA TIÊN - NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG LỄ HỘI ĐỀN CAO (CHÍ LINH)(30/03/2022)
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI DU LỊCH TÂM LINH TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG CỔ THÀNH, THÀNH PHỐ CHÍ LINH, TỈNH HẢI DƯƠNG(28/03/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín