BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
TRƯNG BÀY CỐ ĐỊNH

Trong số trên 50 nghìn tài liệu, hiện vật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương thì nhóm hiện vật thời kỳ chống đế quốc Mỹ có gần 700 tài liệu, hiện vật, gồm nhiều loại hình, chất liệu, tiêu biểu như: những bức thư tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu, súng, đạn, hiện vật tố cáo tội ác của giặc Mỹ, kỷ vật chiến trường của người dân Hải Dương… trong đó có nhóm hiện vật rất độc đáo đó là xác máy bay Mỹ mang số hiệu F8U.

Xác máy bay Mỹ có số đăng ký BTHD 7179/KL438 gồm 20 mảnh, trong đó có 17 mảnh thân, 01 mảnh cánh và 02 bánh máy bay. Đây là hiện vật có giá trị lịch sử, ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân Hải Dương trong sự nghiệp chống chiến tranh phá hoại, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ, đã và đang được phát huy hiệu quả trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Hải Dương. Tuy nhiên, bản thân hiện vật này mới chỉ được khai thác thông tin về sự kiện lịch sử mà chưa được khai thác tối đa các thông tin, câu chuyện khác nhau về hiện vật. Trên cơ sở đánh giá nhóm hiện vật mảnh xác máy bay lưu giữ tại Bảo tàng và những thông tin cơ bản nói về trận đánh ngày 05/11/1965, người viết bài đã cố gắng đọc thêm các tài liệu và tìm hỏi những thế hệ đi trước, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia sưu tầm để có thêm thông tin về hiện vật.

Những thông tin vô giá

Bối cảnh lịch sử chiếc máy bay F8U bị bắn rơi: Cầu Lai Vu nằm trên quốc lộ 5, con đường huyết mạch nối liền từ cảng Hải Phòng đi Hà Nội, cách cầu Phú Lương khoảng 5 km về phía Bắc. Cầu bắc qua sông Rạng có đường sắt và đường bộ chạy qua. Với địa thế trống trải, địch dễ tiếp cận, dễ nhận dạng khi tập kết trên không.

          Từ ngày 01 đến 04/11/1965, cụm chiến đấu bảo vệ cầu Lai Vu được Quân khu, Tỉnh đội ra lệnh cho các đơn vị vào trực chiến. Cũng trong thời gian này, máy bay địch tổ chức đánh phá các tỉnh, thành phố lân cận: Hải Phòng, Hà Bắc, Quảng Ninh. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, máy bay trinh sát không người lái của địch tăng cường hoạt động dọc tuyến đường 5. Qua theo dõi và nghiên cứu tình hình hoạt động của không quân Mỹ, Chỉ huy Quân khu và Tỉnh đội nhận định, trong những ngày tới chúng sẽ tổ chức đánh phá tuyến đường 5 và trọng điểm chiến lược quan trọng là cầu Phú Lương và cầu Lai Vu hòng ngăn chặn sự chi viện giữa cảng Hải Phòng, Thủ đô Hà Nội vận chuyển ra chiến trường. Vì thế, bất kể trong tình huống nào quân và dân Hải Dương cũng phải quyết tâm bảo vệ cầu Lai Vu, giữ vững huyết mạch giao thông quan trọng này.

          Đúng như nhận định, vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 05 tháng 11 năm 1965, đế quốc Mỹ huy động 20 máy bay vào đánh phá cầu Lai Vu từ hai hướng đông nam và đông bắc. Trước đó khoảng 10 phút, chỉ huy các đơn vị trực chiến nhận được thông báo có máy bay địch đang tiến về phía cầu Lai Vu. Lực lượng bộ đội gồm Tiểu đoàn 12, Tiểu đoàn 14, Đại đội 21… và dân quân các xã Lai Vu, Cộng Hòa, Cổ Dũng (Kim Thành), Ái Quốc, Cộng Hòa (Nam Sách), Hồng Lạc (Thanh Hà)… đã ở trạng thái chiến đấu cao. Khi các tốp máy Mỹ bổ nhào cắt bom xuống phá cầu, các chốt đều nổ súng ròn rã bắn vào đội hình địch. Kết quả bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F8U, xác máy bay rơi cạnh cống Mang, địa phận xã Hồng Lạc (Thanh Hà), cách cầu Lai Vu khoảng 300 mét, 2 máy bay khác của địch bốc cháy lao về hướng tỉnh Thái Bình, giặc lái bị bắt sống.

 Đây là chiến thắng mang ý nghĩa lớn, đó là chiến thắng trận đầu ngay ngày đầu giặc Mỹ xâm phạm vùng trời Hải Dương, bảo vệ được mục tiêu cầu Lai Vu, chiến công này củng cố niềm tin với nhân dân, giải quyết tư tưởng cho lực lượng vũ trang 3 thứ quân cùng với nhân dân Hải Dương có đầy đủ tiềm năng sức mạnh chiến đấu với không lực Hoa Kỳ.

Những câu chuyện chưa kể

Trong Hồi ký “Những ngày tháng không quên”, ông Nguyễn Văn Mục - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, người trực tiếp sưu tầm hiện vật mảnh xác máy bay về lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh đã dành một bài biết riêng về sự kiện này với tên gọi “Thu hồi xác máy bay Mỹ”, tóm tắt nội dung như sau: “...Tôi được giao nhiệm vụ thu hồi xác máy bay đưa về kho bảo quản của Bảo tàng tỉnh để làm hiện vật tố cáo tội ác chiến tranh giặc Mỹ gây ra và cũng là chiến công của quân và dân ta đánh trả giặc Mỹ. Thấy tôi người còn trẻ (22 tuổi), Chỉ huy trưởng huyện đội Thanh Hà yêu cầu cho xem giấy tờ, tôi đưa giấy giới thiệu của Tỉnh đội Hải Dương do Tỉnh đội trưởng Lê Thừa Giao ký cùng với thẻ đi đường (được đi qua cầu, phà với bất kỳ tình huống nào) mới được ở lại làm việc. Lực lượng làm nhiệm vụ trục vớt xác máy bay đưa từ lòng sông lên bờ là Trung đội dân quân xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà. Ban ngày, máy bay Mỹ thường vào đánh phá nên công việc phải làm vào ban đêm. Về mùa đông giá lạnh, mọi người thay nhau lội xuống sông buộc dây vào mảnh máy bay kéo lên bờ. Có lần kéo xác máy bay còn vướng cả thi thể người vào. Đó là những công nhân sửa chữa cầu Lai Vu bị máy bay Mỹ bất ngờ đến đánh hy sinh rơi xuống lòng sông trôi dạt về đây. Các anh, chị dân quân đã cho thi thể vào quan tài đem đi chôn cất, mùi xác chết tỏa ra trong đêm rất khó chịu mà từ nhỏ tới giờ tôi chưa chứng kiến.

Sau gần hai tuần, các mảnh vỡ máy bay được đưa lên bờ sông. Lúc này, việc quản lý mảnh vỡ máy bay đối với tôi cũng phức tạp vì nhiều người muốn lấy mảnh máy bay để làm lược là vật kỷ niệm. Quá trình thu hồi xác máy bay Mỹ, tôi cùng sinh hoạt, ăn nghỉ với lực lượng dân quân làm nhiệm vụ ở đây. Địa điểm trục vớt xác máy bay ở xa khu dân cư gần hai cây số (2km), nên sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tôi còn nhớ, có buổi chiều mọi người xuống rãnh nước trong đê bắt cua, cá về nấu ăn. Chỗ nghỉ thì dùng tre gác qua đê với dải đất cao rồi phủ rạ lên che sương ban đêm, nắng ban ngày. Cũng may là về mùa đông, ít mưa, nên không bị ướt. Nhưng tôi thấy mọi người vẫn vui vẻ, hăng hái làm việc. Vì đây là lần đầu tiên được thấy xác máy bay Mỹ. Chả vì thế mà huyện Kim Thành cũng cho người đem thuyền đến vớt xác máy bay nhưng không được vì điểm rơi máy bay nằm về phía bờ sông thuộc huyện Thanh Hà.

Sau đó xác máy bay được vận chuyển về chùa Lâm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ cất giữ. Vài ngày sau, Bộ Quốc phòng cho xe về chở các bình ắc quy và một số linh kiện máy bay về Hà Nội. Trong hoàn cảnh giặc Mỹ thường xuyên đánh phá, tôi đã đi lại nhiều lần qua các cầu, phà làm nhiệm vụ sưu tầm tài liệu, hiện vật, đó là những kỷ niệm khó quên”.

Gian nan bảo quản

Lúc này, việc quản lý mảnh vỡ máy bay đối với cán bộ Bảo tàng cũng hết sức phức tạp, nếu không khéo léo sẽ không thể giữ nổi. Xác máy bay được cất giữ ở chùa Lâm (xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ), một thời gian sau lại được chuyển về bảo quản  tại đình Quý Dương xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (nơi sơ tán của kho hiện vật Bảo tàng tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ). Năm 1983, kho bảo quản hiện vật Bảo tàng tỉnh được chuyển về nhà Triển Lãm tỉnh, những mảnh xác máy bay cũng được di chuyển về đây. Ngày 25/7/1987, UBND tỉnh ra Quyết định số 314/QĐ-UB giao cho Sở Văn hóa - Thông tin sử dụng khu KII, cơ sở 3, trường Nguyễn Ái Quốc để cải tạo làm nhà Bảo tàng tỉnh Hải Hưng (nay là Bảo tàng tỉnh Hải Dương), sau đó, những mảnh xác máy bay này lại một lần nữa phải di chuyển về Bảo tàng tỉnh để bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị giáo dục lịch sử địa phương.

 

Hiện nay, một số mảnh xác máy bay này cùng với sưu tập hiện vật thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ được trưng bày trang trọng tại Nhà Trưng bày chính Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Đây là minh chứng lịch sử ghi dấu thành tích chiến đấu của quân và dân Hải Dương trong kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược. Nhóm hiện vật này được trưng bày, giới thiệu không chỉ góp phần giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử để tôn vinh những chiến công hiển hách của ông cha ta trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà còn là sự tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những bậc tiền bối, họ là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy nan sưu tầm những hiện vật quý giá để trưng bày, giới thiệu cho công chúng Hải Dương đặc biệt là học sinh và sinh viên khi đến tham quan học tập tại Bảo tàng tỉnh./.

Nguyễn Thị Liên

                                          

 Tài liệu tham khảo

1. Sách: Hải Dương - Đường 5 một thời kháng chiến, tập VII - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương, Ban Liên lạc truyền thống tỉnh đội - xuất bản năm 2004

2. Nguyễn Văn Mục. Hồi ký Những ngày tháng không quên - 2021

Các tin mới hơn
ĐOÀN CÁN BỘ, CHIẾN SỸ BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH THAM QUAN BẢO TÀNG(23/03/2023)
Các tin cũ hơn
ĐOÀN CÁN BỘ VIỆN NGHIÊN CỨU KINH THÀNH LÀM VIỆC TẠI BẢO TÀNG HẢI DƯƠNG (21/09/2022)
CÔNG TÁC PHỐI HỢP BẢO QUẢN TRỊ LIỆU NHÓM HIỆN VẬT CHẤT LIỆU KIM LOẠI TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG (30/08/2022)
XÂY DỰNG CÁC CLIP NGẮN GIÚP BẢO TÀNG ĐẾN GẦN HƠN VỚI KHÁCH THAM QUAN(04/04/2022)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG CHÍNH THỨC TRỞ THÀNH ĐIỂM DU LỊCH CỦA TỈNH(20/01/2022)
CÔNG TÁC PHỐI HỢP BẢO QUẢN TRỊ LIỆU NHÓM HIỆN VẬT CHẤT LIỆU KIM LOẠI TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG(13/12/2021)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín