Đền Kiếp Bạc thuộc hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo (TP Chí Linh), là nơi thờ phụng anh hùng, danh nhân văn hóa dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Toàn cảnh đền Kiếp Bạc
Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là một danh nhân kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, đồng thời là thiên tài quân sự cổ kim của thế giới. Mang trọng trách Quốc công tiết chế, toàn quyền chỉ huy quân đội, Trần Quốc Tuấn đã lãnh đạo quân dân Đại Việt tạo ra những kỳ tích đánh bại 2 lần xâm lược của quân Mông - Nguyên. Tài đức của ông được sử sách lưu danh cùng những chiến công hiển hách; những câu nói nổi tiếng thể hiện tinh thần yêu nước “Bệ hạ chém đầu thần rồi hãy hàng”, hay “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”, “Chim hồng hộc muốn bay cao tất phải nhờ ở 6 trụ xương cánh” để làm kế trị nước, cùng hai tác phẩm “Binh thư yếu lược” và tuyệt bút “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” mà thường được gọi là Hịch tướng sĩ. Hiện nay, trong khối Mộc bản triều Nguyễn còn lưu giữ được nhiều bản khắc ghi chép về con người cũng như cuộc đời của ông.
Sau khi Trần Quốc Tuấn mất, triều đình phong tặng là Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Tiết chế Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương. Theo lời ông dặn, thi hài ông được hỏa táng thu vào bình đồng chôn trong vườn An Lạc gần cánh rừng An Sinh, không xây lăng mộ, đất san phẳng trồng cây như cũ. Nhân dân thương tiếc, kính trọng, tôn vinh ông là Đức Thánh Hưng Đạo vương, lập đền thờ Đức Thánh Trần ở đền Kiếp Bạc và nhiều nơi trong cả nước. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, mặt khắc 36 có ghi về việc này như sau: “Đến nay Quốc Tuấn mất, được tặng tước Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại vương. Nhân dân ở châu Lạng Giang lập đền thờ. Lời chua: Đền thờ Hưng Đạo vương, nay ở xã Vạn An, huyện Lục Ngạn, phủ Lạng Giang (tức đền Kiếp Bạc, nay thuộc TP Chí Linh).
Đền thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nổi tiếng linh thiêng khắp cả nước. Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 10, mặt khắc 2 có ghi chép rằng: “Sau khi mất, ông được tặng phong Hưng Đạo Đại vương. Tại Chí Linh, Vạn Kiếp, đều có đền thờ, thiên hạ đến cầu đảo việc gì liền thấy có ứng nghiệm. Mỗi khi trong nước có giặc giã, nhà chức trách đến đây cáo cấp, nếu thanh gươm trong tráp reo lên, thì đi đánh dẹp, ắt được đại thắng”.
Hai trong số gần 70 bản khắc ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn còn được lưu giữ trong khối Mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới (ảnh chụp từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)
Năm Đinh Mùi (1427), Bình Định vương Lê Lợi đã cho tu sửa lại đền thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 14 có chép rằng: “Vương sai tu bổ đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Quốc Tuấn là danh tướng đời Trần. Khoảng niên hiệu Trùng Hưng (1285-1292), ông có công to nhất trong việc đánh đuổi quân Nguyên. Khi ông mất, người ta lập đền thờ ở núi Vạn Kiếp. Đền này vẫn có tiếng là thiêng lạ. Bình Định vương sai Dương Thái Nhất sửa lại đền, cấm không được đẵn phạt cây cối ở đền. Rồi Vương lại hạ lệnh cho các lộ theo đúng lễ nghi thờ cúng đền từ các công thần các đời trước”.
Dưới triều vua Tự Đức, vào mùa xuân năm Mậu Dần (1878), vua Tự Đức đã sai người đến đền thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn ở Hải Dương mật đảo khấn xin có điềm sinh con. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 59, mặt khắc 24 có khắc ghi về việc này rằng: Đầu xuân, sai lĩnh Tổng đốc Hải Dương là Phạm Phú Thứ, Hộ đốc Bắc Ninh là Lê Hữu Tá mật đảo (khấn xin có điềm sinh con) ở đền thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (đều thuộc xã Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương, giáp tỉnh Bắc Ninh). Đến tháng 5, vua Tự Đức cho người khắc 2 bài thơ vua làm vịnh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn ở đền thờ. Khi bấy giờ quan 2tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh cùng cầu đảo, nhân tâu xin khắc hai bài thơ ấy, vua bảo rằng: Hưng Đạo vương trung hiếu công nghiệp, đáng nên nêu khen, rồi chuẩn định cách thức để khắc.
Ngày nay, đền thờ Kiếp Bạc đã trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ của người dân Hải Dương mà còn của người dân trong khắp cả nước đến tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Trần, Quốc công tiết chế, cầu xin một năm tốt lành. Tại đây còn có nhiều sinh hoạt văn hóa độc đáo, trong đó tiêu biểu là diễn xướng hầu thánh.
Nguồn: baohaiduong.vn