BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

(Nhân ngày giỗ của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh (15/2 âm lịch)
 
         Cho đến nay vẫn còn một số quan điểm khác nhau về giai đoạn lịch sử mà cụ Tuệ Tĩnh sinh sống. Tuy nhiên, căn cứ vào nguồn tư liệu hiện còn được biết; kết quả khảo sát thực tế tại di tích và truyền ngôn trong nhân dân thì thân thế sự nghiệp của Đại danh y Tuệ Tĩnh có thể khái quát như sau:
         Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quán hiệu là Hồng Nghĩa, còn có hiệu là Thận Trai hay Vô Dật, đạo hiệu là Tráng Từ, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh (Huệ Tĩnh), xuất thân từ một gia đình bần nông, cha là Nguyễn Công Vỹ, mẹ là Hoàng Thị Ngọc ở Nghĩa Lư, huyện Dạ Cẩm, Hồng Châu (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông sinh ra vào triều nhà Trần. Lên sáu tuổi, cha mẹ đều mất, ông được nhà sư chùa Hải Triều ở Yên Trang đưa về nuôi cho ăn học (tức chùa Giám, xã Cẩm Sơn (nay là Định Sơn)). Đến 10 tuổi, ông được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (nay là chùa Keo thuộc tỉnh Nam Định) đưa về cho ở ăn học. Ở đấy, ông được gọi là Tiểu Huệ, sau lấy pháp hiệu là Huệ Tĩnh (Tuệ Tĩnh). Ông được học nho và y để giúp việc trong chùa. Vốn là người thông minh, ham học, năm 22 tuổi, ông thi đỗ Thái học sinh đời vua Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong thứ 11 (1351) nhưng không ra làm quan mà tu ở chùa Nghiêm Quang (chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng) chuyên tâm nghiên cứu y học giáo lý, ông lấy vườn chùa làm cơ sở trồng thuốc. Ông đã tu bổ lại chùa này và 24 ngôi chùa khác ở hạt Sơn Nam và quê hương, dậy y học cho các tăng ni đệ tử, mở rộng việc chữa bệnh làm phúc. Năm 45 tuổi, ông thi đỗ Hoàng giáp khoa Giáp Dần niên hiệu Long Khánh thứ 3 (1374). Có thể vào giai đoạn này ông còn mở hiệu thuốc lấy tên Hồng Nghĩa đường ở ngay trên quê hương. Năm 1384, dù đã 55 tuổi, ông vẫn phải đi sứ sang nhà Minh (1368 - 1644). Nhà Minh giữ ông lại ở Thái y viện. Ông mất bên đất Bắc, không biết là vào năm nào (?). Theo truyền thuyết, đến lúc lâm chung ông có trăng trối rằng: Về sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với. Gần 300 năm sau, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho là người cùng làng Nghĩa Phú được nhà vua cử đi sứ sang Trung Quốc đã đến viếng mộ và dập bia mộ chí Tuệ Tĩnh đưa về nước. Sau khi về nước, khoảng những năm 1695, Nguyễn Danh Nho cùng dân làng Nghĩa Phú dựng đền thờ Tuệ Tĩnh tại quê nhà để nghi nhớ công ơn người thầy thuốc hi sinh cuộc đời mình vì sự nghiệp chữa bệnh cứu người.
 
Sự nghiệp của Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh
 
         Về phật học: Theo sách Tuệ Tĩnh Toàn tập, Nxb Y học, trang 8 cho biết ông đã giải nghĩa bằng chữ nôm sách Thiền tông khóa hư lục của vua Trần Thái Tông soạn.
         Về Y học: Sự nghiệp của Tuệ Tĩnh chủ yếu được thể hiện trong lĩnh vực y dược học. Ông chính là người xây dựng nền móng cho việc chữa bệnh bằng thuốc Nam. Ông gây dựng nên phong trào trồng thuốc ở mọi nhà, khắp vườn chùa, từ cỏ cây, hoa lá, củ quả của Việt Nam, từ những bài thuốc đơn giản mà công dụng đã cứu được nhiều người bệnh nghèo khổ, dập được những trận dịch bệnh lớn trong nhân dân. Sự nghiệp y học của ông đã thúc đẩy việc trồng dược liệu ở Việt Nam phát triển. Ông còn truyền dậy cho người dân cách tìm loại cây chữa các bệnh thông thường, trồng trong vườn nhà, chùa làng để sử dụng khi cần thiết. Ông cũng hướng dẫn mọi người cách phòng tránh bệnh để có sức khỏe tốt.
         Ngoài y dược phục vụ con người, Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc, phục vụ sản xuất, đặt cơ sở cho ngành Thú y dân tộc.
         Các công trình nghiên cứu của ông được soạn thành sách tiêu biểu như các tác phẩm “Dược tính nam chỉ” và “Thập tam phương gia giảm” (theo Hải Dương phong vật chí), nhưng phần nguyên tác của Tuệ Tĩnh không còn nguyên vẹn do nhiều nguyên nhân. Những tác phẩm còn lại cho đến ngày nay là đều do người đời sau thu thập tài liệu còn sót lại trong nhân dân để biên tập lại. Đó là bộ “Nam dược thần hiệu” do Hòa thượng Bản Lai ở chùa Hồng Phúc, Trung Đô (nay thuộc Hòe Nhai, Hàng Than, Hà Nội) biên tập, bổ sung vào năm Tân Tỵ (1761). Trong đó giới thiệu 580 vị thuốc Nam và 3.873 phương thuốc điều trị 184 loại bệnh.
         Cuốn “Nam dược chính bản” do triều vua Lê Dụ Tông biên tập sau đổi thành “Hồng nghĩa giác tư y thư” được in vào năm Đinh Dậu (1717) gồm quyển Thượng và quyển Hạ. Trong đó quyển Thượng “Nam dược quốc ngữ phú” (Trực giải chỉ Nam dược tính phú) dùng chỉ dẫn tính năng các bài thuốc gồm 590 vị thuốc nam và “Trực giải chỉ nam dược tính phú” gồm 220 vị thuốc nam và một thiên y luận về lý luận cơ bản, âm dương ngũ hành, tạng phủ, kinh mạch. Thiên này xuất hiện ở bản in lại năm 1723.
         Cuốn “Thập tam phương gia giảm” có 242 vị, gồm 13 cách sử dụng gia giảm khi dùng thuốc (hay 13 bài thuốc nam). Trong mỗi phương thuốc đều ghi rõ công thức và cách dùng gia giảm như thế nào cho phù hợp,...
         Từ những tác phẩm này của Tuệ Tĩnh đã để lại cho đời sau một tầm nhìn sâu rộng về y học của nước nhà. Vấn đề lý luận và thực tiễn vẫn luôn được kế thừa và phát triển cho đến ngày nay. Đặc biệt là cuốn “Nam dược thần hiệu” được coi là kim chỉ nam cho nhiều thầy thuốc. Tuệ Tĩnh có cống hiến to lớn về lý luận và thực tiễn cho nền y dược dân tộc, sự nghiệp của ông không ngừng được kế thừa và phát huy rạng rỡ trong việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triển y học dân tộc.
         Tuệ Tĩnh là người nắm vững y lý Đông y và là người có công đầu trong việc sưu tầm, nghiên cứu dược tính và chẩn đoán bằng thuốc Nam, phổ biến cho người dân những bài thuốc thông thường để có thể tự kiếm và điều trị. Tuệ Tĩnh luôn nhắc nhở mọi người chú ý đến nguyên nhân gây bệnh và khuyến khích mọi người tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, cụ thể hơn chính là các ngôi chùa, ông yêu cầu các tăng ni phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, làm nền để tuyên truyền đến mọi người dân. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng của việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Phương pháp dưỡng sinh được Ông tóm tắt trong 14 chữ:
“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình” .
         Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người tin vào bùa chú mà không tin dùng thuốc. Ông khuyên mọi người nên sống bình thản, tránh những suy nghĩ lo âu, phiền muộn từ đó phòng tránh bệnh tật cho bản thân.
         Từ bao đời nay, trong giới Y học Việt Nam và nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh là một trong những nhân vật có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc, đặc biệt là công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế của người Việt Nam. Câu nói của ông: Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt biểu hiện sự nhận thức sâu sắc về quan hệ giữa con người và tự nhiên, đồng thời cũng tiêu biểu cho ý thức độc lập tự chủ, đặc biệt là tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước.
         Cuộc đời, sự nghiệp cũng như y đức, y đạo, y tài của Ông đã trở thành tấm gương sáng cho những người hành đạo nghề y noi theo trên con đường y nghiệp của mình. Những di cảo của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh đã trở thành bộ giáo trình có vị trí trang trọng trong các trường Đại học, Cao đẳng y khoa nước nhà.
         Bao thế kỷ đã qua, đến nay cuộc đời, thân thế và sự nghiệp Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh vẫn còn ghi đậm dấu ấn trong những di tích tôn thờ ông trên quê hương Cẩm Giàng như:
 
 
 
Đền Xưa (thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ) - nơi ông cất tiếng khóc chào đời.
 
 
 
Chùa Giám (xã Cẩm Sơn) - nơi ông được nuôi dưỡng, ăn học thuở hàn vi tới lúc thành tài
 
 
 
Đền Bia, (thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn) - nơi lưu giữ tấm bia có ghi tạc lời di nguyện của ông.
 
         Tất cả vẫn còn và ngày càng được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị, như một lời khẳng định về những gì mà Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh đã cống hiến.
 
 
 
Tượng Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương
 
         Không là bậc Cao tăng, không là Quốc sư trong những triều đại rực rỡ Lý - Trần nhưng ông vẫn xứng đáng là vị Đại sư với công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe dân tộc và được người đời tôn vinh là “Thánh thuốc Nam”. Ông được thờ ở ngôi vị cao nhất trong Y miếu Thăng Long, nơi chứa đựng những giá trị sâu sắc của nền Nho y Đại Việt./.
 
                                                                                                               BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG
Các tin mới hơn
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG, LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (02/4/1904-02/4/2024)(22/03/2024)
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20/3; NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC Ở VIỆT NAM (17/03/2024)
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG (05/03/2024)
NHỮNG NHÀ GIÁO TIÊU BIỂU Ở NAM SÁCH THỜI QUÂN CHỦ ĐƯỢC SỬ SÁCH LƯU DANH(20/11/2023)
GIA ĐÌNH CỤ VŨ DUY TRINH – ĐỊA ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG Ở ĐỊA PHƯƠNG PHƯƠNG TRƯỚC NĂM 1945(16/11/2023)
Các tin cũ hơn
TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ Y ĐỨC CỦA PHẠM CÔNG BÂN(22/02/2022)
XUÂN NHÂM DẦN NHỚ LỜI CĂN DẶN CỦA BÁC(14/02/2022)
ĐOÀN KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA SỞ VHTTDL LÀM VIỆC TẠI BẢO TÀNG TỈNH(01/12/2021)
LỊCH SỬ VĂN HÓA LÀNG NGHĨA PHÚ - CUỐN SÁCH KHẢO CỨU TOÀN DIỆN VỀ LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG, DI SẢN VĂN HÓA LÀNG(20/09/2021)
LỊCH SỬ VĂN HOÁ LÀNG CHÂU KHÊ - CUỐN SÁCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ LÀNG ĐẦU TIÊN DO BẢO TÀNG TỈNH NGHIÊN CỨU PHÁT HÀNH(19/07/2021)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín