BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM

Bài viết nhân dịp Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022)
         Người từng có 2 lần nhận giấy báo tử đó là cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tứ, sinh năm 1952 ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ.
         Tháng 1 năm 1970, chàng trai Nguyễn Xuân Tứ vừa tròn 18 tuổi đã cùng bạn bè trong xã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tháng 12.1970, ông Tứ nhập ngũ rồi đi B, là chiến sĩ biên chế thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ông Tứ kể lại: "Chúng tôi được đơn vị đưa đến tỉnh Quảng Bình, rồi cả đoàn xuống xe hành quân. Mùa mưa ở đây khủng khiếp lắm, đường Trường Sơn lầy lội, vì thế cuộc hành quân càng gian nan, vất vả. Chưa đặt chân tới trạm cuối thì tôi bị sốt rét ác tính, lên cơn co giật và phải điều trị 2 tháng trời".
         Sau khi khỏi bệnh, ông Tứ cùng đồng đội chiến đấu trên nhiều chiến trường. Chiến trường Phước Long, Bình Long, Thủ Dầu Một, Chơn Thành, Tân Khai,...là những địa bàn quen thuộc mà ông cùng đồng đội từng chiến đấu qua hàng chục trận giao tranh quyết liệt với đối phương. Một trong những kỷ niệm sâu sắc của cuộc đời ông là trận đơn vị đối đầu với quân địch trong những ngày chúng điên cuồng phá cụm chốt chặn Tàu Ô, Xóm Ruộng, bên Đường 13 trên đất Bình Long vào tháng 6/1972. Cụm chốt này được ví như “cánh cửa thép” để ngăn chặn quân địch giải vây thị xã An Lộc, đồng thời không cho địch ở An Lộc rút khỏi vòng vây của Quân Giải phóng.
         Nửa đêm hôm ấy, Trung đội 3, sau trận đánh Bến Cát, nhiều đồng chí hy sinh, chỉ còn 15 tay súng, hầu hết mới được bổ sung, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Văn Phồn (quê Thanh Hóa) lập chốt chặn ở khoảng giữa hai căn cứ của địch là sân bay Téc-nich (trên đất Quản Lợi, Bình Long) và cứ điểm Núi Gió, nhằm ngăn chặn địch từ Núi Gió tiếp tế cho sân bay, đồng thời tạo thuận lợi để khi thời cơ đến sẽ tấn công sân bay, tiêu điệt đại đội biệt động của địch ở đây.
         Ngày hôm sau, địch phát hiện ra chốt chặn và huy động hỏa lực mạnh tấn công áp đảo. Khi bộ binh của chúng tràn vào chốt, bộ đội ta từ các hầm cố thủ xông lên, dùng tiểu liên và súng B40, B41 đánh trả quyết liệt. Mũi chiến đấu của ông Tứ gồm đồng chí Trung đội trưởng và 4 chiến sĩ, vừa đánh vừa tìm cách hạn chế tiêu hao lực lượng,... Lúc từ dưới hào nhô lên bắn trả địch, ông Tứ bị thương do quả M79 của địch nổ ngay sau lưng. Trong giây lát, ông chỉ kịp cảm nhận mảnh đạn găm vào người, rồi ngất lịm đi....Khi tỉnh dậy trong trạng thái mơ màng, ông có cảm giác như đang tắm ở ao làng thuở chăn trâu, cắt cỏ. Hóa ra, trận mưa bất thường đã “hồi dương” cho ông. Ông cứ một mình nửa chìm, nửa nổi, lõm bõm giữa hào sâu.
         Đêm xuống, các chiến sĩ vận tải của Trung đoàn vào hầm để đưa thương binh và thi hài của đồng đội ra ngoài, thấy đôi mắt ông Tứ lờ đờ, tấm lưng loang lỗ vết thương nhưng vẫn còn thở, nên ông được đồng đội cấp tốc chuyển về bệnh xá sư đoàn. Ngay sau đó, ông được chuyển thẳng lên Bệnh viện Miền, điều dưỡng 6 tháng. Đồng đội ở đơn vị cũ đánh trận liên miên, ai cũng cố gắng trả thù cho các chiến sỹ đã hy sinh ở chốt chặn, trong đó có ông Tứ. Sau khi chữa trị vết thương xong, ông được điều chuyển đến phòng tham mưu thuộc đơn vị huấn luyện sĩ quan pháo binh. (trường H10, Đoàn 75, Đông Nam Bộ)
         Vì hoàn cảnh của chiến tranh nên ông Tứ và đơn vị cũ không có bất cứ thông tin qua lại nào. Do vậy, đơn vị xác định ông đã hy sinh nên báo cáo làm giấy báo tử. Thời gian này, ở quê nhà chị Phạm Thị Hon, Bí thư Đoàn xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ) thường xuyên đến nhà mẹ ông là bà Nguyễn Thị Duyện động viên gia đình. Nhận ra sự “quan tâm khác biệt” bà chủ động nói “cô Hon cứ về báo cáo với lãnh đạo xã tôi là thành viên Hội Mẹ chiến sĩ của xã, tôi rất vững vàng, kể cả khi con trai tôi không trở về. Dù vậy, tôi vẫn không tin là nó đã mất”.
         Sau phút bất ngờ, cô Hon thủ thỉ với mẹ Duyện rằng chị đang làm công tác tư tưởng cho gia đình về việc Ủy ban nhân dân xã Hưng Đạo chuẩn bị báo tử con trai mẹ và tổ chức lễ truy điệu. Thấy thế, mẹ Duyện nói: “Hãy cứ để xem đã, tôi linh cảm thằng Tứ còn sống, không chết đâu”. Bà kiên quyết không nhận giấy báo tử vì có linh cảm con trai mình còn sống. Gia đình từ chối làm lễ truy điệu. Bởi thế, địa phương không thể tổ chức lễ truy điệu cho ông được.
         Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27.1.1973, Sư đoàn 9 phát "Thiếp báo tin" để các chiến sĩ gửi về cho gia đình. Thời gian này, trùng với lần thứ hai cô Phạm Thị Hon, Bí thư Đoàn xã Hưng Đạo đang làm công tác tư tưởng đối với gia đình ông. Thêm nữa mẹ ông vẫn nhất định, kiên quyết không nhận giấy bảo tử lần thứ 2.Vì vậy, mà lễ truy điệu ông đã được dừng lại kịp thời.
Tháng 5.1976, Hội đồng giám định y khoa xác định ông Nguyễn Xuân Tứ thương tật 41%, thương binh hạng 3/4. Một tháng sau, ông được phục viên trở về địa phương.
         Khi về địa phương, ông Tứ được tín nhiệm làm cán bộ văn hóa, thông tin xã Hưng Đạo (năm 1977). Năm 1979, ông làm Bí thư Đoàn xã Hưng Đạo. Mùa xuân năm 1983, bạn bè và người thân chúc phúc cho ông kết duyên với cô gái Nguyễn Thị Hoan, cùng làng, đẹp người đẹp nết, nổi tiếng với nghề thêu ren.
         Năm 1982, ông chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Hưng Đạo. Năm 1987, ông làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Thêu Hưng Xuân, xã Hưng Đạo. Đến năm 1991, HTX Thêu Hưng Xuân giải thể, do nền kinh tế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường nên HTX gặp không ít khó khăn.
Không nản chí, ông Tứ cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hoan vẫn tiếp tục "giữ lửa" nghề truyền thống, mở cơ sở thêu truyền thống Hoan Tứ tại quê hương. Nhờ bạn bè giới thiệu, chắp mối, sản phẩm thêu ren của gia đình ông Tứ nức tiếng xa gần, có mặt ở cả thị trường nội địa và các nước: Anh, Pháp, Nga, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc,...Nhiều tác phẩm, trong đó có “Hoa sen - quốc hoa của Việt Nam” mang sắc thái nghệ thuật, kiến du khách thích thú vô cùng. Hiện cơ sở thêu của gia đình tạo việc làm cho khoảng 5-10 lao động ngoài 50 tuổi với mức thu nhập từ 4,5 triệu đồng/người/tháng.
         Từ năm 2008 đến 2011 ông tham gia làm Bí thư Chi bộ thôn Xuân Nẻo. Hiện 2 người con trai của ông Tứ đều đã trưởng thành. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Đạo cho biết: "Ông Tứ là hội viên tiêu biểu và tích cực tham gia các hoạt động do Hội Cựu chiến binh xã, huyện phát động. Ông là tấm gương sáng về việc giữ gìn và phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ".
         Để phục vụ cho chuyên đề Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ năm 2022, ông Tứ trao tặng 02 hiện vật cho Bảo tàng tỉnh, gồm:
         1. Mảnh vải dù: Năm 1973 thành phố Bình Long bị quân giải phóng bao vây, địch tiếp tế cho số quân của chúng ở trong thành phố hàng hóa, lương thực bằng cách thả dù từ máy bay xuống. Một số dù hàng thả xuống bay sang trận địa của ta, đơn vị ông Tứ cũng thu gom được dù hàng như thế gồm các chiến lợi phẩm là lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu. Riêng mảnh vải dù là mảnh vải bọc bên ngoài các gói hàng thì các chiến sỹ chia nhau mỗi người 1 mảnh để sử dụng. Ông Tứ dùng mảnh vải dù để làm chăn đắp, có khi lại làm ba lô đựng đồ trong chiến trường. Với ông mảnh vải dù là kỷ vật còn lại duy nhất sau những năm tháng chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ. Ông rất trân trọng kỷ vật này nên mới gìn giữ được đến hôm nay sau gần 50 năm trở về với quê hương.
Mảnh vải dù hình chữ nhật, thiết kế họa tiết dằn ri, mầu vàng xanh, qua thời gian sử dụng mảnh vải dù bị tuột chỉ, có nhiều đường chỉ khâu tay, tuy nhiên chất vải còn dai và sử dụng tốt.
         2. Bộ ấm chén: Năm 2017 Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017) Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Uỷ ban nhân dân - Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương tặng ông Nguyễn Xuân Tứ (thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ) bộ ấm chén để tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với cách mạng. Nay ông Tứ tặng lại bộ ấm chén trên cho Bảo tàng tỉnh nhằm lưu lại các hoạt động của tỉnh Hải Dương về việc quan tâm đến Thương binh, bệnh binh nói riêng và người có công nói chung.
Bộ ấm chén chất liệu sứ, trang trí hoa sen, qua sử dụng bộ ấm chén đã bị vỡ 3 chén, hiện chỉ còn 01 ấm, 03 chén, 03 đĩa đựng chén.
         Số tài liệu, hiện vật trên được ông Tứ trao lại Bảo tàng tỉnh quản lý và sử dụng lâu dài ./.
 
 
 Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tứ hạnh phúc bên người vợ đẹp người đẹp nết Nguyễn Thị Hoan.

                                      HOÀNG THỊ HƯƠNG
                                  Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm 
                           Nguồn: Bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương 
Các tin mới hơn
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC XEM CHIẾU BÓNG THỜI BAO CẤP MIỄN PHÍ(23/11/2023)
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TÁI HIỆN KÝ ỨC VỀ “THỜI BAO CẤP” TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG (16/11/2023)
THƯ MỜI TRẢI NGHIỆM "SẮC MÀU TRUNG THU"(08/09/2023)
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU, KHẢO SÁT NGHỀ LÀM MẶT NẠ GIẤY BỒI(22/06/2023)
CÁN BỘ BẢO TÀNG TỈNH TIẾP CẬN NGHỆ THUẬT NẶN TÒ HE(23/05/2023)
Các tin cũ hơn
BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG VỚI NHIỀU HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28/6(24/06/2022)
BẢO TÀNG HẢI DƯƠNG – ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN TRONG DỊP HÈ(06/06/2022)
NHIỀU HOẠT ĐỘNG HẤP DẪN TẠI BẢO TÀNG HẢI DƯƠNG DỊP TẾT THIẾU NHI 1/6 (30/05/2022)
HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG KỶ NIỆM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4) VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (1-5) TẠI BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG(30/04/2022)
BÁNH GAI NINH GIANG - ĐẶC SẢN NỔI TIẾNG CỦA HẢI DƯƠNG(20/04/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín