BẢO TÀNG TỈNH HẢI DƯƠNG MỞ CỬA ĐÓN KHÁCH THAM QUAN VÀO CÁC NGÀY THỨ 3, THỨ 5 VÀ THỨ 7 HÀNG TUẦN \
CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH

         Đoàn Thượng (1181- 1228), xuất thân trong gia đình tích thiện hành nhân, cứu giúp người nghèo. Cha là Đoàn Trung, mẹ không rõ tên? Các tài liệu cổ không ghi chép tên mẹ, một số tài liệu tại đình, miếu thờ có ghi mẹ là Lý Thị. Theo Thần tích thần sắc làng Trâm Mòi, xã Thái Hòa, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ghi mẹ ông tên Nguyễn Thị Khang. Ông sinh tại làng Thung Độ, đất Hồng Châu nay thuộc xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Tổ 5 đời của ông là Đoàn Văn Khâm, đỗ Thái học sinh, được triều đình bổ nhiệm là Công bộ Thượng thư đời Lý Nhân Tông (1072-1127).
         Ông là người thông minh nhanh trí lại giỏi võ nghệ. Năm 28 tuổi, vào triều ứng thí, sung vào “khoa Mậu tài”. Vua Lý Cao tông phong làm “Thị tòng tham quan luyện đạt triều trung chính sự”. Năm Nhâm Thân (1212), đất nước có nhiều biến loạn, chính sự, hình pháp không minh bạch, thiên tai, mất mùa đói kém liên miên. Giặc giã nổi lên khắp nơi, xu hướng cát cứ bộc lộ ở nhiều địa phương. Đoàn Thượng nhận được lệnh triều đình về Hồng Châu mộ quân đánh dẹp. Với sức khỏe phi thường, tương truyền chỉ một ngựa, một đao, ông có thể xông vào đánh tan cả đạo quân giặc.
 
 
 
 
         Trong 21 năm (1207-1228) quản lý đất Hồng Châu (gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và một phần Quảng Ninh, Hà Nội ngày nay), ông đã có công lớn trong việc dẹp loạn, yên dân, tạo cho nhân dân Hồng Châu có cuộc sống no đủ, được nhân dân hết lòng yêu mến và ủng hộ.
         Nhưng nhà Lý đến cuối đời, như ý trời đã hết. Huệ tông không có con trai để nối nghiệp, lại bị bệnh, nên đã xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm hoàng thái tử để truyền ngôi. Bà lên ngôi được 2 năm rồi nhường ngôi cho Trần Cảnh (hiệu là Trần Thái Tông). Từ đó, các trung thần nghĩa sĩ đều thoái triều nạp chức.
         Lúc này, Đoàn Thượng phẫn chí bèn vứt kiếm đi, thân chạy về Hồng Châu tụ tập quần đảng thiết lập đồn lớn, xây thành bảo vệ ở hướng đông An Nhân. Thái sư Trần Thủ Độ thấy Đoàn Thượng là bậc anh hùng, sai người tới hứa phong vương và gả công chúa cho, nhưng ông quyết giữ đất Hồng Châu. Giữ chọn tiết nghĩa với nhà Lý cùng ý đồ khôi phục lại giang sơn nhà Lý. Ông nói: “Nhà Lý có rất nhiều con cháu, người này không có con trai thì nhường ngôi cho cháu người khác trong dòng tộc thừa kế, không thể đảo ngược nhường ngôi cho con rể là người họ Trần”. Ông cho rằng làm quan ăn lộc của vua Lý, bề tôi trung không thờ hai chúa. Và ông đã chiêu tập lực lượng chống lại nhà Trần.
         Cùng lúc này, Đoàn Thượng biết được người có ý chí như mình là Đông Bàng và Nam Bính, là 2 anh em sinh đôi ở trang Hồng Khê, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân làm quan triều Lý đến chức “Điện tiền chỉ huy sứ”. Đoàn Thượng rất vui mừng nói: “Ba anh em ta nguyện đồng tâm hiệp lực hưng phục nhà Lý để tiếng thơm lưu truyền hậu thế, há chẳng tốt đẹp sao”. Nói xong, bèn truyền cho binh mã gia thần cùng nhân dân trang Hồng Khê thiết lập cho quan ở, tuyển chọn trai trẻ cường tráng trong trang Hồng Khê mỗi họ mấy người, tổng được 38 người làm gia thần. Lại truyền hịch cho các hào kiệt trong phủ huyện đồng tâm báo quốc.
         Sau đó, ba anh em liền dẫn binh sĩ trở về ấp An Nhân giao chiến với nhà Trần, mấy mươi trận đều toàn thắng, nhà Trần không thể chế ngự được. Tướng nhà Trần thấy vậy, cùng bàn mưu với Nguyễn Nộn hẹn gặp Đoàn Thượng ở xứ Đồng Đao để làm lễ minh thệ. Đoàn Thượng sơ suất cả tin, như đã hẹn, 1 mình một ngựa đến xứ Đồng Đao mắc phải mưu của Trần Thủ Độ và Nguyễn Nộn đã bố trí quân phục sẵn. Thần tích thần sắc làng Trâm Mòi, xã Thái Hòa, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương viết: “Thượng Công vừa đánh, vừa phá không thể thoát nổi, bèn ngẩng lên trời mà than rằng: “ Xuất quân chưa thắng, tự chết trước, mãi mãi khiến cho bậc anh hùng lệ thấm đầy cổ áo”. Than xong bèn rút kiếm tự vẫn mà chết. Hôm đó là ngày mồng 10, đang lúc đó, trời đất tối sầm, ngày giống như đêm...”. Theo sách Nhân vật lịch sử Hải Dương, trang 32, 33: “Đoàn Thượng thua phải chạy, gặp tướng nhà Trần từ phía sau nhào lên chém một nhát vào cổ gần đứt. Bị chém ông quay cổ lại, tướng Trần sợ hãi chạy trốn mất. Ông liền cởi giây lưng ra buộc vào cổ cho đầu khỏi rơi rồi chạy về đến làng Yên Nhân (nay là Bần Yên Nhân-Hưng Yên) có một cụ già đứng bên đường nói: “Tướng quân trung dũng lắm, thượng đế đã kén ngài làm thần xứ này rồi...”. Đoàn Thượng phi ngựa đến gò đất cụ già chỉ, xuống ngựa, gối đầu vào gọn mác nằm, một lúc sau thì chết”.
         Khi những người dân xung quanh biết được sự tình, tìm đến thì mối đã đùn lên phủ kín cả người và ngựa thành hai ngôi mộ lớn và một thời gian sau nổi lên thành gò cao như hai ngọn đồi nhỏ giữa cánh đồng bẳng phẳng. Năm ấy, mùa mưa nước lũ đổ vào sông Hồng làm vỡ đê Gia Lâm, nước cuồn cuộn chảy theo đường cái lớn (nay là đường quốc lộ 5), tràn qua làng mạc đồng ruộng hai bên đường cuốn theo cả thi thể của ông. Nước cuốn mang theo thủ cấp của Đoàn Thượng đến làng Bần Yên Nhân còn thân thể trôi dạt đến tận làng Mao Điền, cách đó 20 cây số. Do vậy, mà dân gian có câu “Đầu Bần thân Mao” nói về cái chết của Đoàn Thượng còn lưu truyền cho đến ngày nay.
         Từ đó về sau, trải qua các triều đại phong kiến, Đoàn Thượng thường linh thiêng hiển ứng, giúp nước cứu dân, cho nên được các bậc đại đế vương khen phong mỹ tự để muôn đời hưởng tế lễ. Vua Trần cũng khôi phục công trạng của ông, truy phong ông là Bảo quốc hộ dân Nhất đẳng thần và Đông Hải Đại vương Thượng đẳng thần.
Trong lúc xã hội phong kiến rối ren, tranh giành quyền lực ngôi bá, bất chấp mọi thủ đoạn cuối nhà Lý, đầu nhà Trần thì Đoàn Thượng nổi lên là một anh hùng với lòng trung quân ái quốc, nghĩa khí, tiết tháo cương trực. Nhưng lâu nay trong sử cũ ghi chép về hành trạng và công lao của ông có phần thiên lệch có lợi cho chế độ triều đại cầm quyền lúc đương thời. Xét thấy, đây cũng là điều có thể hiểu được, song chưa thực sự công bằng và thỏa đáng. Vấn đề này, ngày nay chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan hơn về công trạng và lòng trung quân phục quốc của tướng quân Đoàn Thượng trong xã hội bấy giờ.
         Hiện nay, quê hương ông (xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc) có đền thờ ông và Tổ họ Đoàn. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, tại các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Thanh Hà... có 25 di tích thờ tướng quân Đoàn Thượng. Trong đó, một xã có 3 thôn (Trâm Phúc, Trâm Mòi, Trâm Giữa) thuộc xã Thái Hòa, huyện Bình Giang đều tôn thờ ông. Hằng năm, cứ độ xuân về, 3 làng đều tổ chức lễ hội để tỏ lòng tưởng nhớ đến Thành hoàng làng Đoàn Thượng có công che chở, bảo vệ bình an cho cuộc sống của dân làng.
 
 
Đình Trâm Phúc, xã Thái Hòa, huyện Bình Giang nơi thờ tướng quân Đoàn Thượng
 
                                                               NGUYỄN THỊ HẠNH 
                                                               Phó Trưởng phòng NCLSĐP
Các tin mới hơn
XÃ CẨM HOÀNG (HUYỆN CẨM GIÀNG) TỔ CHỨC LỄ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP TỈNH ĐÌNH PHÍ XÁ (19/04/2024)
KHẢO SÁT DI TÍCH XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA NĂM 2024(16/04/2024)
THÔNG BÁO DANH MỤC DI TÍCH XÂY DỰNG HỒ SƠ XẾP HẠNG NĂM 2023(30/06/2023)
KHẢO SÁT DI TÍCH ĐỀ NGHỊ XẾP HẠNG CẤP TỈNH, CẤP QUỐC GIA(09/05/2023)
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC MỞ RỘNG XÉT DUYỆT HỒ SƠ XẾP HẠNG DI TÍCH NĂM 2022(12/12/2022)
Các tin cũ hơn
HAI NGÔI ĐÌNH LỊCH SỬ THỜ TƯỚNG QUÂN ĐINH ĐIỀN(11/07/2022)
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH NHO HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG (17/06/2022)
ĐÌNH LÀNG(25/04/2022)
LÊ ĐẠI HÀNH VỚI VÙNG ĐẤT DƯỢC ĐẬU TRANG(25/04/2022)
LỄ HỘI ĐÌNH ĐỒNG NIÊN - NƠI LƯU GIỮ NÉT ĐẸP VĂN HÓA DÂN GIAN(25/04/2022)
Tìm kiếm
Video
Ảnh Tư Liệu
Quảng cáo
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín